Thế giới tuần qua

 1. Vòng đàm phán của Nhóm tiếp xúc Ukraine (U-crai-na) tại Minsk (Min-xcơ), Belarus (Bê-la-rút) kết thúc hôm 24-12 mà các bên vẫn chưa thỏa thuận được Chương trình nghị sự cũng như thời gian diễn ra vòng đàm phán tiếp theo.

Tham gia vòng đàm phán có cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma (Lê-ô-nít Cớt-ma), đại diện Toàn quyền Cộng hòa nhân dân Donetsk (Đa-nhết-xcơ) tự xưng Denis Pushilin (Đê-nít Pu-si-lin) và đại diện Toàn quyền Cộng hòa Lugansk (Lu-gân-xcơ) tự xưng Vladislav Dano (Vla-đít-láp Đa-nô) cùng đại diện tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine và Đại sứ Liên Bang Nga tại Ukraine.

Hai vòng đàm phán trước của Nhóm tiếp xúc diễn ra vào tháng 9 vừa qua đã giúp tiến triển đáng kể trong việc dàn xếp đối thoại giữa các bên xung đột tại Ukraine. Tuy vậy, đến nay các vòng đàm phán diễn ra ở Minsk vẫn không thu được kết quả nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 8 tháng qua tại miền Đông Ukraine khiến hơn 4.700 người bị thiệt mạng.

Một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gay La-vơ-rốp) tuyên bố, quyết định từ bỏ Quy chế không liên kết của Ukraine chỉ khiến căng thẳng leo thang. Phản ứng này của Ngoại trưởng Nga được đưa ra ngay sau khi Quốc hội Ukraine thông qua Dự luật về từ bỏ chính sách không liên kết nhằm mở đường cho việc Ukraine gia nhập NATO trong tương lai. Ông Sergei Lavrov cho biết: “Tôi nghĩ Dự luật vừa được Quốc hội Ukraine thông qua hoàn toàn phản tác dụng. Nó tạo ảo tưởng rằng việc Ukraine thông qua Dự luật như vậy có thể giải quyết cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nước. Thay vào đó, Ukraine phải chấm dứt leo thang đối đầu, mở một cuộc đối thoại cởi mở và toàn diện, cải cách hiến pháp với sự tham gia của tất cả các khu vực, các lực lượng chính trị”.

2. Hạ viện Nhật Bản ngày 24-12 đã bầu lại ông Shinzo Abe (Sin-dô A-be) làm Thủ tướng nước này với đa số phiếu ủng hộ sau khi liên minh cầm quyền của ông giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tuần trước.

Sau khi bổ nhiệm nội các mới, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết thúc đẩy Chính sách Abenomics nhằm phục hồi nền kinh tế. Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, sự phục hồi kinh tế rất quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu quan trọng như an ninh quốc gia và thực hiện các cải cách quyết liệt nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Việc bầu lại làm Thủ tướng, sẽ giúp ông Shinzo Abe có 4 năm nữa để thực hiện cam kết mở cửa thị trường và sắp xếp hợp lý những quy định đang cản trở khả năng cạnh tranh của Nhật Bản. Trước đó, ông Abe từng khẳng định, Chính phủ của ông sẽ trình dự luật lên phiên họp quốc hội thường kỳ vào năm sau để hợp pháp hóa việc sử dụng Quyền phòng vệ tập thể và đảm bảo tiến độ sửa đổi định hướng hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ trở lại mốc dự kiến vào đầu năm 2015.

3. Khó khăn chồng chất ở Nga hiện nay không đơn thuần là thách thức về kinh tế, mà còn là cuộc đấu chính trị. Trong khi các nhà lãnh đạo Nga cáo buộc các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU “gây khó” nền kinh tế Nga, Mỹ lại tăng thêm các biện pháp gây sức ép.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) đã lên tiếng khẳng định không có quốc gia nào có thể “hăm dọa” Nga vì lập trường của nước này đối với tình hình tại Ukraine. Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây lại vừa gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga, thách thức đặt ra cho nước Nga sẽ làm gì để bảo vệ nền kinh tế. Đồng Ruble (Rúp) sụt giá thấp nhất trong hơn một thập kỷ, giá dầu lao dốc đều đang đe dọa nền kinh tế của Nga.

Nền kinh tế của Nga vốn dĩ là nền kinh tế nguyên liệu, độ thăng trầm của nó đương nhiên phụ thuộc vào sự lên xuống của giá dầu. Bởi vậy, Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Nga đang có nhiều biện pháp để điều chỉnh nền kinh tế đi đúng hướng. Thông qua việc bảo vệ đồng Ruble, Chỉnh phủ Nga khuyến khích các nhà đầu tư Nga tham gia thị trường trong nước, đồng thời khơi dậy tình yêu đất nước, tấm lòng của họ dành cho Tổ quốc. Chính phủ cam kết nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế trong khi vẫn đảm bảo hoàn thành các cam kết xã hội đề ra từ trước. Tổng thống Putin nói: “Nhiệm vụ hiện tại của Nga là phải hành động”.