Thế giới cần thay đổi chính sách năng lượng trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh

Trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh tác động đến chính sách năng lượng của thế giới, phóng viên TTXVN tại London (Anh) đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư chính sách năng lượng Stephen Thomas (Xtê-phen Thô-mát)- Giám đốc Nghiên cứu thuộc trường Đại học Greenwich - Vương quốc Anh, về triển vọng và nguy cơ mặt hàng chiến lược này.

Giáo sư Thomas đánh giá theo quy luật việc giá cả các mặt hàng tiêu dùng, như dầu mỏ lên xuống theo một chu kỳ tuần hoàn tự nhiên. Khi giá tăng, mang đến cơ hội để nâng cao lợi nhuận, thì các nước bắt đầu đầu tư và đưa ra những sản phẩm mới. Động thái này lại khiến giá tiêu dùng giảm xuống, buộc doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, chờ đến khi giá tăng. Cụ thể đối với giá dầu thô, có một số vấn đề nổi lên giải thích cho xu hướng giảm hiện nay.

Trước hết là hậu quả của thời kỳ kinh tế thế giới suy thoái bắt đầu từ năm 2008. Nhu cầu đối với năng lượng vì thế giảm mạnh, nhất là tại các nước phát triển, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và cung ứng dầu thô ra thị trường. Bên cạnh đó, nguồn cung trên thị trường gần đây cũng tăng lên do sản lượng dầu, khí khai thác từ đá phiến của Mỹ. Đây là một nguồn cung bổ sung tương đối lớn, khiến giá dầu thô giảm.

Theo Giáo sư Thomas, nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng có thể tác động đến giá dầu. Các nước như Đức, Tây Ban Nha... đang rất tích cực chuyển đổi những nhà máy điện sử dụng nhiên liệu từ hóa thạch sang tái sinh. Thực tế này khiến nhu cầu về dầu thô giảm xuống. Một vấn đề lớn nữa là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không còn mạnh như trước đây. OPEC vẫn tìm cách bình ổn giá dầu thông qua biện pháp tăng hay giảm sản lượng khai thác từ các nước thành viên. Tuy nhiên, hiện OPEC không có ý định cắt giảm sản lượng khai thác, vì thế giá dầu có thể giảm tiếp. Theo chuyên gia Stephen Thomas, "vấn đề địa chính trị cũng có ảnh hưởng phần nào đến giá dầu thô trên thị trường. Nhưng tác động của tình trạng biến đổi về giá dầu đối với nền kinh tế những nước liên quan là rất nghiêm trọng".

Trường hợp Nga là ví dụ điển hình, giá dầu giảm mạnh ảnh hưởng rất tiêu cực đến nền kinh tế nước Nga. Xuất phát từ thực tế này, không thể quá cường điệu hóa về tầm quan trọng của địa chính trị đối với giá dầu thô. Ông Thomas khẳng định: "Giá dầu giảm gây ra những hiệu ứng trái chiều và lẫn lộn. Đối với một số nước, đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng có thể lại rất tồi tệ đối với những nước khác". Những nước nhập khẩu dầu sẽ thấy dễ chịu, bởi hóa đơn nhập khẩu sẽ giảm đáng kể. Điều này sẽ giúp các ngành công nghiệp của họ tăng khả năng cạnh tranh trong khi chi phí năng lượng giảm. Xét ở góc độ nào đó, giá dầu giảm sẽ giúp kích thích tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, với những nước sản xuất dầu, thu nhập của họ phụ thuộc nhiều sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Vì thế, nguồn thu của họ sẽ giảm khi giá dầu giảm, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, tài chính. Đồng nội tệ ở một số nước cũng có thể sẽ giảm giá trị do ảnh hưởng của giá dầu. Ở góc độ lớn hơn, giá dầu giảm sẽ kéo theo việc sử dụng dầu mỏ và khí đốt gia tăng. Điều này có thể khiến cộng đồng quốc tế khó đạt được mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một tác động tiêu cực của giá dầu giảm.

Theo TTXVN