Trái tim người lính đảo

(NTO) Sống và làm việc ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”, những người lính đảo đâu chỉ có tinh thần “thép” trong thực hiện nhiệm vụ, các anh còn có cả trái tim dạt dào yêu thương, thứ tình cảm thuần khiết và trong lành mà ai đến với Trường Sa cũng dễ dàng bắt gặp.

 
Bảo vệ mục tiêu ở đảo Tốc Tan (Huyện đảo Trường Sa - Khánh Hòa). Ảnh: Bảo Bình

Thật khó để diễn tả chính xác cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đóng quân ở nơi cách đất liền từ 250 đến 400 hải lý, đặc thù công tác của các anh có nhiều điều khác biệt. Đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng vậy. Tâm tư, tình cảm của các anh vì thế mà có những nét đặc biệt, như “thương hiệu” riêng của lính đảo.

Đồng chí, đồng đội trong một tập thể hiếm có nơi đâu đạt được sự đoàn kết, thống nhất cao như ở đảo. Sự đoàn kết, thống nhất đó không chỉ bắt nguồn từ tính kỷ luật quân đội, mà còn xuất phát từ tinh thần đoàn kết dân tộc, từ sự gắn bó tự nhiên giữa người với người, được hòa quyện và xây đắp để trở thành một tình cảm khó gọi đúng tên, nhưng lại rất dễ nhận ra khi đến đảo. Họ vừa là một tập thể vũ trang, vừa là một gia đình. Tình đồng đội lại chứa đựng cả tình bạn, tình anh em. Thế nên, lính đảo không chỉ dễ đồng cảm và chia sẻ, các anh còn gắn bó, đùm bọc nhau, cả trong chiến đấu và những phút giây riêng tư của mỗi người.

 
Giờ sinh hoạt của các chiến sĩ trên đảo Phan Vinh.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương” không phải là câu khẩu hiệu, bởi nó đúng với các anh, những người đã biết chấp nhận gian khó để nhận nhiệm vụ gác “phên giậu” của Tổ quốc. Ngày con ra đời, người lính đảo vắng mặt. Bữa cơm giao thừa vắng các anh... Những niềm hạnh phúc giản đơn nhất, những khát khao, nhung nhớ, các anh đều gói ghém trong nụ cười hiền lành rám nắng, dung dị mà gần gũi xiết bao.

Thời gian gắn bó với đảo dù ngắn hay dài, tính bằng năm hay tháng, đều là khoảng thời gian quý giá của mỗi người lính. Với các anh, đó không chỉ là niềm tự hào, không chỉ là nhiệm vụ, đó còn là vinh quang của người lính, là may mắn của đời người. Cứ nhìn cách những quân nhân xuất ngũ nâng niu cành hoa ốc, đặt một vỏ sò ở nơi trang trọng trong ngôi nhà nhỏ, hay chăm tưới cho một quả bàng vuông nẩy cây cao lớn,… là đủ hiểu trong lòng các anh, đảo đẹp và chất chứa yêu thương nhiều như thế nào. Và chắc rằng, hình ảnh cờ Tổ quốc thắm tươi nổi bật và ấm áp giữa màu xanh bao la của trời biển Trường Sa sẽ mãi là biểu tượng đẹp mà các anh ghi nhớ suốt cuộc đời. Màu cờ cũng chính là màu máu trong tim.

Xin được tạm kết dòng cảm xúc về những người lính đảo thân yêu bằng lời một bài hát viết về sự lạc quan, yêu đời của các anh:

“Chỉ lính đảo xa mới có đàn ghi-ta một dây

Chỉ lính đảo xa mới hát với đàn ghi-ta một dây

Gió, trăm ngàn cơn gió mới hát được một lời

Sóng, trăm ngàn con sóng mới vỗ được vào bờ

Mà đàn ghi-ta một dây, của lính đảo xa chúng tôi, cứ hát mãi…”

(Ca khúc “Cây đàn ghi-ta một dây” của tác giả Quang Minh).