Đôi điều suy ngẫm về ngày nhà giáo Việt Nam

(NTO) Trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, ngày 20/11, Ngày nhà giáo Việt Nam đã trở thành một ngày đặc biệt, là ngày lễ “tôn sư trọng đạo”, tôn vinh các cô giáo, thầy giáo đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức và đạo làm người cho bao thế hệ dân tộc Việt Nam.

Lịch sử của Ngày nhà giáo Việt Nam được khởi nguồn từ tháng 01 năm 1946, khi một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Pari (thủ đô nước Pháp) lấy tên là Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục (Viết tắt là tổ chức FISE). Năm 1949, tại Vacsava (Thủ đô của Ba Lan), Hội nghị quốc tế của FISE đã xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học; đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo và quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.

Ở Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thành lập vào ngày 22.7.1951, đã có quan hệ với FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của chủ nghĩa đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh, sinh viên, đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Mùa xuân năm 1953, Đoàn nhà giáo Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị của tổ chức FISE họp tại Thành phố Viên (Thủ đô nước Áo), với nội dung quan trọng là kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức này, trong đó có Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam. Như vậy, chỉ một thời gian ngắn gần 02 năm sau khi thành lập, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục. Từ ngày 26 đến 30/8/1957, Hội nghị FISE đã họp tại Thủ đô Vacsava, với 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đã quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo

Được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phổ biến toàn văn bản Hiến chương các nhà giáo đến các trường học, các cơ quan giáo dục miền Bắc; đồng thời thông tin đến giáo giới, đồng bào, học sinh, sinh viên miền Nam và quyết định tổ chức Ngày Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên ở nước ta vào ngày 20-11-1958.

Sau ngày 30/4/1975, đất nước được thống nhất, các nhà giáo Việt Nam đã đoàn kết, nhất trí xây dựng nền giáo dục Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Với ý nghĩa tích cực của Ngày 20-11, theo đề nghị của ngành Giáo dục, đào tạo, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 lấy ngày 20 - 11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với ngành giáo dục, đào tạo nước ta, đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ cô giáo, thầy giáo và những người làm công tác giáo dục trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo lớp người mới xã hội chủ nghĩa có đức, có tài góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới.

Việc tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của ngành giáo dục, đào tạo Việt Nam, với đầy đủ ý nghĩa thiết thực, hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến với truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh nghề giáo. Và thật sự, trong thời gian qua, trong ngành giáo dục đã có bao gương sáng của các cô giáo, thầy giáo trên cả nước đã có nhiều cố gắng và thành công trong sự nghiệp trồng người, đặc biệt là các cô giáo, thây giáo đang làm công việc gieo chữ, trồng người ở các vùng sâu, vùng xa của đất nước.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh nhà cần chú trọng triển khai, nhằm quán triệt và thực hiện tốt nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng đến phát triển năng lực người học, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần giáo dục ý thức công dân, phẩm chất chính trị, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói để tôn vinh nghề giáo: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.