Con học ra sao?

(NTO) Thời buổi “mỗi gia đình có từ một đến hai con” nên ai ai cũng chăm bẫm con “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Ngẫm cũng đúng, ông bà ta xưa dạy “con cái là của trời cho” mà “của trời cho” là hồng phúc của người được hưởng. Bởi vậy, nên ngay khi con cái rời nhà đến trường để học hành thì sự dõi theo, ngóng trông, chờ đợi con mình học ra sao là chuyện thường ngày của mỗi ông bố, bà mẹ.

Trong lần đón con (học lớp một) tan trường vô tình tôi được nghe các bà mẹ xôn xao bàn luận việc học hành của con cái. Vốn không quan tâm đến chuyện của chị em nhưng rồi cũng bị cuốn hút theo bởi có con mình trong đó. Bà mẹ trẻ có vẻ bực dọc “Tôi cho con học toán trí tuệ, tập đọc, tập viết từ lớp chồi, trước khi vào lớp một cháu đã biết cộng trừ nhân chia trong phạm vi 100, cứ nghĩ nó nhất, nhì lớp nhưng nay hơn hai tháng rồi ngày ngày đi học về hỏi cháu học ra sao nó trả lời “tốt”, nhưng thế nào là tốt tôi đố các bà biết!?”. Thấy vậy, chị có con học lớp ba góp thêm: Năm học vừa qua, con tôi được trường tặng giấy khen về thành tích “học sinh giỏi”, cả nhà mừng rỡ nhưng hỏi ra mới biết lớp học có 40 em thì 30 em học sinh giỏi còn lại là khá, vậy nên tôi chẳng yên tâm khi con mình đạt học sinh “giỏi”. Thế là chủ đề “con học ra sao” trở lên sôi nổi, nào là chủ trương mới bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét nhằm giảm tải cho các cháu và tạo hứng thú cho học sinh tiểu học, rồi sự sáng tạo của thầy, cô giáo trong việc đánh giá nhận xét học sinh với mô hình leo lên đỉnh Phan-Xi-Păng, nào là nhận xét bằng cách gắn hoa hồng đỏ, vàng, xanh, rồi sáng kiến khắc dấu nhận xét học trò thay cho viết nhận xét…nở rộ cứ như “hoa nở mùa xuân”. Nhưng việc con cái mình học ra sao thì vẫn còn là sự ấm ức của các bà mẹ vì chưa có lời giải. Thấy tôi chăm chú lắng nghe, chị bên cạnh quay qua hỏi: Thế con anh học ra sao? Quá bất ngờ (việc học hành của con ra sao thực ra chỉ vợ biết) may mà lúc đó tôi “thông minh đột xuất”, buột miệng nói: Hỏi cô hiệu trưởng là chắc nhất! Không ngờ các bà, các chị đồng thanh: Hỏi cô hiệu trưởng. Thế là chỉ chờ tiếng trống tan trường là nhóm các bà, các chị quên cả việc đón con trước ùa vào phòng hiệu trưởng. Nghe các bà mẹ trình bày xong, cô hiệu trưởng ôn tồn giải thích “đây là chủ trương mới của ngành đối với bậc tiểu học, thực hiện việc đánh giá nhận xét học sinh thay cho chấm điểm, các cháu tiểu học được nhận xét “tốt” thì các chị cứ yên tâm”. Bà mẹ trẻ lúc nãy không vừa lòng hỏi lại: Thưa cô, tốt nhưng tốt nhất hay tốt nhì, tốt ba…Bị truy vấn liên hồi, cô hiệu trưởng dùng kế hoãn binh “Để em báo cáo cấp trên rồi trả lời các chị sau” nhưng có điều các cháu “giảm tải” còn cô giáo chúng em thì “tăng tải”. Thế là chuyện “Con học ra sao” vẫn chưa có lời giải, không vừa lòng nhưng họ cũng cảm thông với cô hiệu trưởng bởi thầy cô cũng có cái khó do “tăng tải” mà lương không tăng. Vậy nên phương pháp đánh giá nhận xét học lực của học sinh mới không chỉ “làm khó” cha mẹ học sinh trong việc theo dõi, định hướng học hành của con cái mà còn “làm khổ” chính thầy, cô giáo trong việc dạy dỗ học trò.

Chuyện dùng điểm số để đánh giá học lực của học sinh qua đó phát hiện khả năng, thiên hướng của trò giúp cha mẹ học sinh và nhà trường hướng nghiệp cho các cháu là cách làm từ thuở làng quê Việt có ông giáo làng. Theo báo chí phản ánh về một vài khảo sát ngẫu nhiên có sự tương đồng: Trên VietNamNet, hơn 75% bạn đọc vẫn chọn phương án "đánh giá thường xuyên bằng điểm số", ở chương trình "Chuyện đương thời" của VTV con số này 76%, và trên báo Tuổi Trẻ Online thì khoảng ¾ vẫn ủng hộ điểm số. Kết quả đánh giá thường xuyên bằng nhận xét thay cho điểm số của giáo viên đối với học sinh bậc tiểu học ra sao cần có thời gian kiểm chứng nhưng các bậc phụ huynh thì cần phải biết kết quả học tập, rèn luyện của con mình chính xác. Có lẽ không ở đâu chăm lo đầu tư cho con cái học hành như bà mẹ Việt vì thế họ phải là đối tượng được ngành Giáo dục và Đào tạo hỏi ý kiến khi thay đổi cách đánh giá học lực con em mình.