KỶ NIỆM 84 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930 - 14/10/2014)

Nông dân Ninh Thuận thi đua lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới

(NTO) Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp Nông dân Việt Nam, cán bộ, hội viên, nông dân (HVND) Ninh Thuận với lòng yêu nước nồng nàn, kiên trung với Đảng, cần cù lao động, năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh nhà.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành đã đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội cho người dân. Kết cấu hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Vị thế chính trị của giai cấp ND ngày càng được nâng cao. Đối với Hội Nông dân tỉnh nhà cũng có nhiều bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Đến nay toàn tỉnh có 63.565 HV, chiếm 82,7% so hộ nông nghiệp, chiếm 46,9% lao động nông nghiệp, hộ ND có HV đạt trên 95,6% và đang sinh hoạt ở 400 chi hội, 1.110 tổ hội của 65 cơ sở hội.

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, vận động cán bộ, HVND thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và tham gia xây dựng NTM. Các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở triển khai rộng khắp 3 phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động: “Phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Phong trào ND thi đua xây dựng NTM” và Phong trào ND tham gia bảo đảm quốc phòng- an ninh” với nhiều hình thức tập hợp đa dạng thông qua các mô hình: câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, dự án, tổ tín dụng tiết kiệm vay vốn…, hàng năm đã thu hút hàng chục ngàn lượt cán bộ, HVND tham gia, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới nhiều gương ND sản xuất, kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực. Trong năm nay, toàn tỉnh có trên 43.000 hộ đăng ký danh hiệu "ND sản xuất, kinh doanh giỏi", đạt 104% chỉ tiêu; gần 54.000 hộ đăng ký danh hiệu ”Gia đình văn hóa’. Nhằm góp phần giúp HVND phát triển sản xuất, các cấp Hội đã phối hợp các ngành, cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, dạy nghề và chuyển giao KHKT cho trên 2.500 HV. Thông qua các chương trình, dự án, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp xây dựng 20 mô hình kinh tế có hiệu quả, mở ra hướng làm ăn mới, góp phần tích cực giúp nông dân giải quyết nhiều khó khăn trong sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Điển hình như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, trong vụ đông- xuân và vụ hè- thu năm nay, đã thực hiện trên diện tích 3.000 ha, năng suất ước tăng 6-10 tạ/ha; mô hình khép kín giữa trồng trọt và chăn nuôi dê, cừu vỗ béo; hướng dẫn thành lập 10 nhóm cùng sở thích trồng táo với 170 thành viên tại xã Phước Vinh, An Hải (Ninh Phước)... Ngoài ra, từ Quỹ Hỗ trợ ND, Hội đã thẩm định giải ngân 21 dự án, cho 239 hộ vay, tổng số tiền trên 5,36 tỷ đồng, Đã tín chấp cho hàng ngàn lượt HV vay vốn từ các ngân hàng, với dư nợ trên 700 tỷ đồng. Qua thực hiện tốt các mô hình, dự án và chương trình phối hợp với ngân hàng đã tác động tích cực và đem lại hiệu quả trên các mặt kinh tế-xã hội, hình thành các phương thức liên kết sản xuất trong ND; phương thức chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, qua đó tăng thu nhập của ND, vai trò, vị trí của tổ chức Hội ngày càng được nâng lên.

 
Nông dân xã Phước Ninh (Thuận Nam) áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ảnh: Văn Miên

Đất nước bước vào giai đoạn cách mạng mới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng đối với sự phát triển, đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, khắc phục những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà đã đề ra. Để thực hiện điều này, trong thời gian tới, các cấp Hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

-Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, HVND về chủ trương, đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời đi sâu vào tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của ND để tham mưu với Đảng, Nhà nước các giải pháp giải quyết phù hợp.

-Tích cực đổi mới nội dung, hướng hoạt động về cơ sở, xây dựng Hội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào ND để tổ chức, chỉ đạo các hoạt động của Hội phù hợp với tình hình thực tế mang lại hiệu quả thiết thực.

- Chủ động xây dựng kế hoạch nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao sự hiểu biết cả về lý luận và thực tiễn cho cán bộ cơ sở, cán bộ chi, tổ hội, cán bộ vùng dân tộc thiểu số, cán bộ vùng đồng bào có đạo... nhằm phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ Hội các cấp.

- Quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm tạo sức thi đua lan tỏa rộng khắp, vận động đội ngũ cán bộ, HVND tích cực tham gia xây dựng NTM, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà theo hướng nhanh và bền vững.