Chuyển động tích cực từ nền kinh tế của tỉnh

(NTO) Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2014, qua 6 tháng đầu năm tuy còn gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế thế giới và trong nước, nhất là trong tỉnh tình hình nắng hạn kéo dài, dịch bệnh xảy ra trong chăn nuôi, hoạt động của nhiều doanh nghiệp còn trì trệ... đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của tỉnh.

Công trình Thủy điện Hạ Sông Pha 1 có công suất 5,4 MW đã đi vào hoạt động,
góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.Ảnh: V.M

Thế nhưng nhờ chủ động, bám sát và cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của UBND tỉnh, cộng với tinh thần chủ động, vượt khó và sự nổ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, nền kinh tế đã có nhiều chuyển động tích cực. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tăng 16,6%, cao hơn 7,9%. Trong đó giá trị gia tăng các ngành: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 17,7%, cao hơn 13,1%; công nghiệp-xây dựng tăng 25,4%, cao hơn 18,7% so cùng kỳ năm trước; dịch vụ tăng 11,2%;

Ghi nhận đầu tiên là về sản xuất nông nghiệp. Có thể nói, sản xuất vụ Đông -Xuân phát triển khá, quy mô sản xuất được mở rộng với tổng diện tích gieo trồng 24.042 ha, tăng 4,3% so với cùng kỳ, năng suất một số cây trồng chính tăng đáng kể. Riêng năng suất lúa đạt bình quân đạt 69,3 tạ/ ha, tăng 9,7 tạ/ ha với sản lượng đạt 110.850 tấn, tăng 20% so Đông- Xuân 2013 và vượt 24,4% so kế hoạch vụ. Có thể nói đây là kết quả của việc thực hiện tốt điều tiết nước hợp lý và gieo trồng theo đúng lịch thời vụ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng. Đáng ghi nhận nữa là cơ cấu cây trồng có bước chuyển dịch tích cực, một số mô hình sản xuất có hiệu quả tiếp tục được triển khai nhân rộng, sản lượng một số cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả đặc thù tăng khá, như mía tăng 2,3%, mỳ tăng 30,6%, nho tăng 13,1%... đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung của ngành. Chăn nuôi có bước phục hồi, giá cả tiêu thụ ổn định, quy mô tổng đàn gia súc duy trì, đàn gia cầm tăng 20%. Cùng với tăng trưởng nông nghiệp, sản xuất thủy sản “được mùa” so với những năm gần đây với tổng sản lượng khai thác hải sản đạt trên 46,1 ngàn tấn, tăng 89,6%. Cùng với đó, nhiều lợi thế về sản xuất giống thủy sản tiếp tục phát huy, quy mô sản xuất được mở rộng... nên sản lượng đạt hơn 15,2 tỷ con, tăng 40,3%. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trong nuôi tôm thương phẩm được kiểm soát tốt nên sản lượng đạt hơn 3.110 tấn, tăng 22,4%.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước phục hồi và tăng khá với giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm tăng 37,3%. Đáng nói là hầu hết các sản phẩm chính đều tăng, như nhân điều tăng 3,4%, xi măng tăng 56,8%, đường RS tăng 40,3%, tinh bột mỳ tăng gấp 2 lần, muối chế biến tăng 15,6%, tôm đông lạnh tăng 32,9%. Năng lực sản xuất mới của một số ngành hoàn thành đưa vào hoạt động tiếp tục phát huy hiệu quả, như thủy điện hạ Sông pha 1, khăn bông Quảng Phú và nhất là nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung của ngành Công nghiệp; bên cạnh đó một số dự án đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào hoạt động như dự án Chế biến rau câu, Chế biến thủy sản Thông Thuận, dệt Quảng Phú, sẽ đóng góp cho tăng trưởng ngành Công nghiệp trong 6 tháng cuối năm.

Hoạt động thương mại tiếp tục đạt được những kết quả đáng kể. Các giải pháp bình ổn thị trường được triển khai đồng bộ, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”...tiếp tục đẩy mạnh. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt hơn 5.941 tỷ đồng, tăng 14,6% so cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục khởi sắc. Trong 6 tháng toàn tỉnh đã thu hút trên 662 ngàn lượt du khách, tăng 6,8%; trong đó khách trong nước ước đạt 617 ngàn lượt ,tăng 7,1%; khách quốc tế ước đạt 45 ngàn lượt, tăng 3,1% .

Công nhân Công ty May Tiến Thuận vào ca sản xuất. Ảnh: Thanh Long

Để thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, trong 6 tháng toàn tỉnh đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3.806 tỷ đồng, tăng 43,6% so cùng kỳ, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 42,3%, còn lại là vốn của các thành phần kinh tế và dân cư. Việc thu hút đầu tư các thành phần kinh tế tiếp tục diễn ra sôi động. Trong 6 tháng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư 25 dự án và chấp thuận chủ trương địa điểm 9 dự án khác với vốn đăng ký trên 12.870 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 250 tỷ đồng. Đáng chú ý là một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị theo hình thức BT đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm đăng ký. Mặt khác, công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tỉnh ta tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong 6 tháng có 129 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn trên 333 tỷ đồng; đồng thời có 24/115 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cuối năm 2013 nay đăng ký hoạt động trở lại...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã nêu trên, thực tế cho thấy trong 6 tháng đầu năm nổi lên một số khó khăn rất cần có giải pháp tháo gỡ hiệu quả, đó là giá trị kim ngạch xuất khẩu tiếp tục suy giảm; nguồn lực đầu tư tiếp tục khó khăn, một số công trình, dự án đầu tư quan trọng đang đẩy nhanh tiến độ nhưng khó khăn về nguồn vốn; tiến độ triển khai một số dự án đầu tư các thành phần kinh tế chậm chuyển biến; thị trường tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp như tinh bột mỳ, nhân hạt điều... gặp khó khăn.

Những kết quả đạt được như đã nêu trên sẽ là cơ sở vững chắc để kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển cao hơn, hiệu quả hơn trong 6 tháng cuối năm, hoàn thành đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng theo tinh thần Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2014.