Bám cảng mưu sinh

(NTO) 12 giờ đêm… khi mọi người còn chìm sâu trong giấc ngủ, thì ở bến cảng hàng trăm con người đang lao động mưu sinh. Thức dậy từ lúc nửa đêm, nhưng bù lại thu nhập tương đối ổn định nên nhiều người quyết bám nghề

Cảng Đông Hải nơi trú đậu cho tàu thuyền đánh cá trong và ngoài tỉnh, bình quân mỗi ngày có trên 700 lượt tàu, thuyền ra vào mua bán neo đậu tại cảng. Nơi đây còn được cho là chợ cá đầu mối của tỉnh. Như thường lệ, chợ hoạt động từ nửa đêm về sáng. Cả khu chợ có 39 cơ sở chế biến hải sản của người dân và 1 cơ sở chế biến hải sản đông lạnh của Công ty Cổ phần Xuất khầu nông sản Ninh Thuận, chủ yếu cung cấp các mặt hàng hải sản cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Đà Lạt, Nha Trang, TP.HCM, và các tỉnh miền Tây…

Ảnh: Hữu Thành

“Thuyền về” tiếng người dân thốt lên làm nhộn nhịp cả bến cảng. Những con thuyền lần lượt cập bến sau những ngày vươn khơi, bám biển, ngay lập tức mọi người đổ dồn về phía những con tàu, những khay cá được mang lên từ dưới hầm ghe lần lượt chuyền tay nhau bởi những thanh niên vạm vỡ với làn da rám nắng. Cá từ thuyền sẽ được bán cho các “nậu cá”. Một số cá sẽ được bảo quản đông lạnh phân phối về các tỉnh. Một số cá được bán lẻ cho các tiểu thương đưa về các chợ trong tỉnh bán cho người dân. Cảnh mua bán diễn ra nhanh chóng, tiếng mặc cả, tiếng kò kè bớt một thêm hai, tiếng gọi nhau í ới của kẻ bán, người mua phá vỡ không gian yên tĩnh của màn đêm tĩnh mịch. Mọi người ai nấy cũng đều hối hả, không khí nhộn nhịp suốt từ lúc nửa đêm cho đến sáng. Cá được phân loại và xếp vào từng khay khác nhau để phân định giá và cân dễ dàng.

Dưới ánh đèn hình chữ U, các em nhỏ mãi mê phân loại cá, mực bỏ lên xe đông lạnh. Đôi bàn tay ngâm nước tê buốt, vừa làm em Hai ở Mỹ Đông vừa tâm sự: Đang thời gian nghỉ hè, em tranh thủ theo mẹ ra cảng lựa cá, mỗi buổi chợ em kiếm được 60 ngàn đồng phụ giúp thêm với mẹ. Công việc cũng nhẹ nhàng phù hợp với em. Chị Lan, một tiểu thương ở phường Phủ Hà, bán cá cũng được gần 10 năm nay cho biết: chị thường đi chợ lúc 3 giờ sáng tranh thủ ghe vô bến mua cá tươi đem về chợ Thanh Sơn bán kiếm lời. Có những hôm xuống trễ chị chờ mua “cá dã” (ghe đánh bắt gần bờ tối đi sáng vào) giá đắt hơn một chút nhưng dễ bán.

Những người không có tiền đi buôn thì ra cảng làm nghề gánh nước hoặc gánh cá thuê. Họ thoăn thoắt gánh nước tới chợ, nơi những tiểu thương vừa mua được mẻ cá tôm, đổ nước vào chậu, chao qua chao lại mớ hải sản cho sạch cát. Đồ nghề chỉ vỏn vẹn là đôi quang gánh và hai chiếc thùng được cắt ra từ những chiếc phao cũ, những người phụ nữ với khuôn mặt sạm đen vì nắng gió miền biển. Thả vội gánh cá, Chị Tư ở Tân Thành, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm làm nghề gánh thuê được 15 năm, đối với chị đó là công việc quen thuộc, như thường lệ chị rời khỏi nhà lúc 2 giờ sáng với đôi gánh gióng và đôi ủng cao su, mỗi gánh cá khoảng 30 kg chị được trả với giá 3000 đồng với quãng đường trong phạm vi cầu tàu. Mỗi buổi chợ chị kiếm được 100-130 ngàn tùy vào ngày cá nhiều hay cá ít. Chị nuôi hai con học, một đứa học trường Cao đẳng nghề, một đứa đang học cấp 3 trường Nguyễn Trãi

Chẳng bao lâu những giỏ cá vơi dần, những chiếc xe lạnh lần lượt rời bến cảng, những chiếc xe thồ chở cá cồng kềnh tỏa đi khắp các nẻo đường, hòa lẫn vào dòng xe vội vã cho kịp buổi chợ sáng.Tất cả mọi người tập trung về đây để kiếm chút mưu sinh. Thức dậy từ lúc nửa đêm, nhưng bù lại thu nhập tương đối ổn định nên nhiều người quyết bám nghề. Khi ánh mặt trời lên các chị lại rời bến cảng về với công việc đan lưới, đan võng của mình

Cuối cầu tàu những con thuyền đang chuẩn bị cho chuyến vươn khơi, bám biển, vượt con sóng dữ hứa hẹn ngày về bội thu, cho đôi gánh của mẹ trĩu nặng nuôi con đến trường, cho người dân làng biển thêm no ấm.