" Trách nhiệm " đâu phải chuyện đùa

(NTO) Thời “Hội nhập” thuật ngữ “trách nhiệm” được nhắc khá nhiều trên các diễn đàn, trong đời sống xã hội. Có lẽ mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội giữa các tổ chức, giữa con người với con người chưa bao giờ lại có sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay. Câu chuyện dưới đây chỉ là phạm vi hẹp về “trách nhiệm” cá nhân trong công tác, sinh hoạt hàng ngày mà đâu đó ta đã bắt gặp.

1. Chiều chủ nhật, như thường lệ chúng tôi gặp nhau tại sân tennis chơi bóng. Trong lúc chờ đến lượt, anh bạn công chức nhà nước ngồi bên lên tiếng: “Thật chẳng công bằng, hưởng lương như nhau nhưng người làm không hết việc, người không có việc làm”. Hỏi ra mới biết từ sáng đến giờ anh làm việc tại cơ quan. Anh bạn ngồi kế bên lên tiếng: Làm chủ nhật được hưởng thêm thu nhập 200%, tớ cũng muốn mà chẳng được!!! Anh công chức phân trần: Nói như ông thì có gì phải bàn cãi, chẳng là ngày thường tôi đã “quá tải” ngày nghỉ cũng phải làm và không % nào hết, trách nhiệm với công việc, với cơ quan mà làm thôi. Thấy trúng ý mình, anh bạn lúc nãy tiếp tục: Chắc tại ông năng lực “hạn chế” ngày thường làm việc không xong thì ngày nghỉ làm là lẽ thường thôi. Anh công chức có vẻ bực dọc: “Nói chuyện với ông thà nói với đầu gối còn hơn”, rồi giãi bày: Tôi được cấp trên giao toàn những việc quan trọng của cơ quan nên “năng lực” có lẽ ông khỏi bàn. Lần này thì anh bạn không đùa nữa và tham gia thêm: Cơ quan tôi có cậu còn trẻ nhưng nhiều “sáng kiến”, nhiệm vụ được giao cậu thường về trước thời hạn. Hỏi kinh nghiệm cậu ấy cho biết: Em cứ lấy văn bản cũ có nội dung tương tự hoặc lên google gõ tìm văn bản tương tự rồi đảo qua đảo lại thế là xong, miễn trích dẫn căn cứ pháp lý đầy đủ. Mình hỏi: Thế văn bản không đạt yêu cầu thì sao? Ôi dào, đó là chuyện của cấp trên, mà nhờ vậy em chỉ phải làm những công việc đơn giản. Vậy đấy, cậu này “giỏi thật” với “sáng kiến” chuyển việc cho người khác làm nhưng vẫn được xem là người có “trách nhiệm”?

2. Có hai người là bạn thân nhau từ hồi phổ thông lên đại học. Tốt nghiệp ra trường mỗi người về nhận công tác tại một tỉnh nhưng có sự trùng hợp ngẫu nhiên là cả hai cùng công tác ở cơ quan tư vấn xây dựng. Họ có dịp “share” (chia sẻ) qua lại văn bản thiết kế cho nhau. Hễ có việc gì bên này làm trước là gửi mail ngay cho bên kia chỉnh sửa cho phù hợp với địa phương mình rồi trình ban hành. Thế là lợi cả đôi đường, công việc nhàn hạ, lương thưởng đầy đủ và tình bạn ngày càng “khăng khít”. Chẳng may có lần, trong đồ án quy hoạch nông thôn mới của xã thuộc huyện miền núi mới thành lập do anh tư vấn thiết kế (từ bản share của bạn) có cả “nhà ga xe lửa”, cả “XÔ giật mình bởi “nhà ga, đường sắt” đâu ra vậy!? Sáng kiến “share liên tỉnh” trên may mà được phát hiện kịp thời nếu không hậu quả thật khó lường.

3. Thật khá bất ngờ khi bà cụ trên 80 tuổi ở khu phố tôi hỏi: Chú ơi, tôi nghe mấy ông khu phố nói trên loa truyền thanh về trách nhiệm công dân, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc…vậy người già như tôi thì có trách nhiệm gì không chú? Cũng may cái gien “thông minh đột xuất” trong tôi trỗi dậy: Dạ, cụ cứ vui vẻ sống thọ 100 tuổi cho con cháu cụ mừng là trách nhiệm rồi. Nghe xong, cụ cười móm mém: Ừ, chú nói chí phải, tôi ráng “trách nhiệm” theo gương cụ GIÁP (sống thọ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Trách nhiệm đâu phải chuyện đùa, cụ già gần đất xa trời nhưng vẫn nghĩ đến trách nhiệm bản thân, mỗi chúng ta lại càng phải đề cao trách nhiệm của mình. Đó là làm việc hết trách nhiệm, sống có trách nhiệm, trách nhiệm với bản thân, với gia đình, nơi chúng ta làm việc, trách nhiệm với quê hương đất nước. Và hơn lúc nào hết trong tình hình hiện nay, trách nhiệm với Tổ quốc cần được mỗi chúng ta coi là trách nhiệm tối thượng. Có như vậy mỗi chúng ta mới vượt lên chính mính góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thực sự giàu mạnh đủ sức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng mà cha ông ta để lại.