Chào cờ

(NTO) Vào lớp 1, trong bộ đồng phục xinh xắn, tôi được xếp đứng cùng các bạn làm lễ chào cờ khai giảng năm học. Có hai anh mang khăn quàng đỏ tiến lên cột cờ giữa sân trường. Cùng lúc với tiếng trống nhịp đều, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên, tung bay trong gió.

 
Lễ chào cờ ở đảo Trường Sa. Ảnh: BB

Năm học lớp 4, được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, tôi quàng khăn đỏ trên cổ, màu khăn giống màu cờ Tổ quốc. Chúng tôi cũng được tập hát Quốc ca. Chỉ có 2 khối lớp 4 và 5 mới được hát Quốc ca trong giờ chào cờ. Dù chưa thật hiểu lời của khúc tráng ca ấy nhưng chúng tôi cũng thấy phần trách nhiệm và tự hào với “đặc quyền” của mình. Tôi còn được chọn vào đội trống của trường. Mỗi lễ chào cờ thứ 2 đầu tuần, đội của chúng tôi gồm 4 người sẽ mang trống ra và chờ tiếng hô lớn “Chào cờ, chào!” của thầy Tổng phụ trách Đội. Tiếng trống rộn ràng lại vang lên.

Trong những chuyến công tác của mình, tôi được dự nhiều buổi lễ chào cờ. Đôi khi là ở những sự kiện lớn của tỉnh, đôi khi là tại một ngôi trường vùng cao rực ngói mới. Xúc động nhất, và có lẽ cũng là vinh dự lớn lao, tôi được dự lễ chào cờ ở đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa). Trước cột mốc chủ quyền, tất cả cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo tập trung thành hàng ngũ chỉnh tề. Tiếng sóng vẫn vỗ đều, vài cánh cò trắng chao liệng trên bầu trời trong xanh. “Chào cờ, chào!” Vẫn tiếng hô ấy, nhưng giữa bốn bề biển cả, vang lên đầy tự hào và thiết tha, chất chứa mọi ý chí, quyết tâm và niềm tin cuộn trào như sóng. Nắng sớm càng làm rực thêm màu cờ đỏ của Tổ quốc thiêng liêng.

Cũng như nhiều đơn vị khác, cơ quan tôi duy trì việc chào cờ mỗi thứ 2 đầu tháng. Đứng trước lá cờ đỏ sao vàng, trước tượng Bác Hồ, cất lên lời ca thôi thúc tiếp bước theo truyền thống bao thế hệ cha anh, người trẻ như chúng tôi phải tự đặt ra cho mình những mục tiêu và nhiệm vụ để góp sức dựng xây quê hương, đất nước.