KỶ NIỆM 39 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG NINH THUẬN (16/4/1975 – 16/4/2014), GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 – 30/4/2014):

Chiến thắng 16-4-1975 - Mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận

Tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ mưu toan tiêu diệt bằng được phong trào cách mạng của nhân dân ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng để tiến công miền Bắc, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, phô trương sức mạnh, hòng đe dọa các dân tộc Á, Phi, Mỹ-Latinh đang nổi dậy giành độc lập. Việt Nam trở thành nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử to lớn.

Đánh giá đúng âm mưu của kẻ thù, Đảng ta nhận định rằng, bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng phải là con đường bạo lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ - Ngụy. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 10-1974 và đầu năm 1975, đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 
Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não Ngụy quyền Ninh Thuận lúc 9 giờ 30, ngày 16-4-1975.

Mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, ngày 10 và 11-3-1975, quân ta tiến công bằng các binh chủng hợp thành giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Trước tình hình thắng lớn của ta ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Đến ngày 24-3, quân ta đánh thắng cuộc phản kích của Sư đoàn 23 ngụy, giải phóng toàn bộ vùng chiến lược Tây Nguyên và nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung.

Sau thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh dọc Duyên Hải miền Trung, Ngụy quyền Sài Gòn hoang mang cực độ, ra lệnh rút quân lui về co cụm, lập Bộ tư lệnh tiền phương, xây dựng “Tuyến phòng thủ từ xa” bảo vệ Sài Gòn, lấy Du Long- cách thị xã Phan Rang 30 km về phía Bắc làm nơi chốt chặn chủ yếu; quyết tử thủ ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại đây, địch tăng cường tập trung lực lượng, gồm Sư đoàn không quân số 6, 2 Trung đoàn và Tiểu đoàn bộ binh, 1 Liên đoàn biệt động quân, 2 chi đoàn xe tăng, 1 hạm đội ở ngoài khơi sẵn sàng chi viện. Với “Tuyến phòng thủ từ xa”, chúng hòng củng cố lại tinh thần binh lính sau hàng loạt thất bại thảm hại trên các chiến trường, ngăn chặn thế tiến công thần tốc của quân ta; bảo vệ từ xa bộ máy đầu não Ngụy quyền tại Sài Gòn trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Đứng trước thời cơ ngàn năm có một, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp và quyết định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm : “Với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, với quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo Tỉnh uỷ Ninh Thuận: “Thời cơ đã đến, Tỉnh uỷ Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ, tiến ngay ra phía trước tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kềm, giải phóng quê hương”.

 
Đông đảo nhân dân tham gia lễ mít-tinh chào mừng năm đầu tiên giải phóng Ninh Thuận.
 
 
Diễu binh tại lễ mít-tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm Quốc khánh 2-9 và chào mừng năm đầu tiên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi tỉnh Khánh Hoà và Lâm Đồng được giải phóng, trong các ngày 1 đến 3 - 4 - 1975, các toán tàn quân ở Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 về Phan Rang. Chớp thời cơ, ta mở các đợt công kích địch đánh chiếm các ấp ở Sông Mỹ; sau đó lần lượt đánh chiếm các ấp ven đường 11 từ Krông-Pha đến Đèo Cậu, giải phóng quận Krông-Pha. Mặc dù địch dùng nhiều máy bay kết hợp với xe tăng, pháo binh, bộ binh đánh phá ác liệt vào vùng căn cứ và vùng mới giải phóng, nhưng quân và dân Ninh Thuận vẫn kiên cường bám trụ, bẻ gãy tất cả đợt phản kích của địch. Được sự chỉ đạo của Quân khu 6, Tỉnh uỷ Ninh Thuận chỉ đạo rút bộ đội địa phương của 2 huyện Bác Ái, Anh Dũng (nay là huyện Ninh Sơn) cùng một số đơn vị khác của tỉnh để bổ sung cho Tiểu đoàn 610, làm nhiệm vụ chốt giữ Đèo Cậu, chặn đánh địch từ sân bay Thành Sơn bung ra phản kích, bảo vệ quận Krông -Pha và sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực vào giải phóng Phan Rang.

Chiều ngày 7-4-1975, tại Tháp Chàm trong lúc tinh thần địch hoang mang rối loạn, lực lượng ta bung ra khống chế bọn tề điệp, ác ôn và dân vệ. Đến 19 giờ cùng ngày, lực lượng vũ trang thị xã và du kích mật tấn công Trại Nguyễn Hoàng, Ga Tháp Chàm, Cầu Móng, ngã ba Tháp Chàm và quận lỵ Bửu Sơn. Địch ở sân bay Thành Sơn tung lực lượng ra phản kích quyết liệt. Đại đội 311 được dân quân du kích và nhân dân Xóm Dừa giúp đỡ đã anh dũng chiến đấu suốt 2 ngày đêm trong lòng địch, đánh lui 16 đợt phản kích của chúng. Để đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch, đồng chí Thượng tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh cánh quân duyên hải quyết định sử dụng Sư đoàn 3 của Quân khu 5, Trung đoàn 25 Tây Nguyên và Quân khu 6, tăng cường 2 đại đội đặc công và công binh cùng với các lực lượng của Ninh Thuận chuẩn bị tấn công “Tuyến phòng thủ từ xa”. Tỉnh uỷ Ninh Thuận hạ quyết tâm cao nhất, lãnh đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích, nhân dân trong tỉnh phối hợp với các lực lượng chủ lực của Trung ương và Quân khu chi viện, vùng lên tấn công và nổi dậy đánh đổ chế độ Mỹ - Ngụy, giải phóng tỉnh nhà.

 
Nhân dân trong tỉnh xem triển lãm ảnh truyền thống trong những ngày đầu Ninh Thuận giải phóng.
 
 
Niềm vui được mùa của nông dân trong tỉnh vào những ngày đầu giải phóng.
 
 
Bộ đội tịch thu vũ khí, quân trang, quân dụng của quân đội ngụy (1975). Ảnh: Văn Đức

Sáng ngày 14-4-1975, tiếng pháo công kích của đại quân ta bắt đầu bắn vào điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn. Đến 7 giờ sáng ngày 14-4-1975, Sư đoàn 3 bộ binh ta tấn công chiếm quận lỵ Du Long và các vị trí Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch tại đây; đồng thời bẻ gãy nhiều đợt phản công của chúng hòng giữ “Tuyến phòng thủ từ xa”. Sáng ngày 16-4-1975, lệnh tấn công được phát ra, lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Quốc lộ 1; mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn và mũi thứ 3 đánh chiếm cảng Ninh Chử, không cho địch tháo chạy ra biển. Đến 9 giờ 30 phút ngày 16 tháng 4 năm 1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh Toà hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận

 

Một là, Đảng bộ Ninh Thuận quán triệt quan điểm sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, đã huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Hai là, nhờ nắm vững đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài; phát huy sức mạnh nhân tài, vật lực của địa phương là chính, đồng thời vận dụng có hiệu quả sự chi viện của Trung ương và các tỉnh trong cả nước.

Ba là, nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, không ngừng xây dựng và củng cố phát triển lực lượng võ trang, phát triển chiến tranh du kích, liên tục tấn công địch, bảo vệ thành quả cách mạng, giành thắng lợi cuối cùng.

Bốn là, xây dựng căn cứ địa, tạo thế vững chắc để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài cho đến ngày giành thắng lợi.

Năm là, sự lãnh đạo chủ động, trực tiếp của Đảng bộ, giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

GẶP LẠI CHIẾN SĨ NĂM XƯA

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa,

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên Chỉ huy Đại đội Đặc công 311

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê tỉnh Bến Tre, năm 1962 từ khí thế tiến công cách mạng của phong trào Đồng Khởi, tôi lên đường nhập ngũ và phục vụ tại căn cứ R (Trung ương cục Miền Nam). Đầu năm 1965, tôi được điều về Ninh Thuận chiến đấu và kể từ đó mảnh đất cực Nam Trung Bộ này đã gắn bó với cuộc đời tôi, trở thành quê hương thứ 2 thân thương, dạt dào kỷ niệm.

Ninh Thuận khi ấy được coi là chiến trường vô cùng gian khổ, xa sự chỉ đạo của Trung ương, thiếu thốn mọi bề và tương quan lực lượng của địch hơn ta gấp nhiều lần. Vào Ninh Thuận, tôi đi khắp các chiến trường và tham gia nhiều trận đánh, đến thời điểm trước tháng 4-1975, tôi là Trung úy Đại đội trưởng Đại đội Đặc công 311 của Tỉnh đội. Đã 39 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng nhưng trong ký ức mình, tôi không bao giờ quên được những gì xảy ra vào ngày 16-4-1975. Trước đó, từ ngày 7-4, đơn vị tôi bắt đầu mở màn bằng những trận đánh vào đồn lính tại Bảo An, xóm Dừa (Đô Vinh), Mỹ Đức (Phước Mỹ) thuộc thị xã Phan Rang-Tháp Chàm. Sau khi bắt được một Đại úy cảnh sát, trước sự phản công mạnh của địch, đêm 8-4, đơn vị tôi rút ra phòng thủ ở núi Cà Đú. Sáng ngày 16-4, bắt liên lạc được với Sư đoàn 3 (Quân đoàn 2) đang trên đường tiến quân vào giải phóng Ninh Thuận, tôi và đồng đội dùng xe của tàn quân địch bỏ lại, dẫn đoàn quân vào thị xã đánh chiếm tiểu khu Ninh Thuận lúc 8 giờ sáng.

Khi hồi tưởng lại diễn biến ngày 16-4-1975, tôi không thể quên được hình ảnh đồng đội hy sinh trong ngày 8-4. Thương nhất là có 2 tân binh miền Bắc không rõ quê quán vừa được bổ sung vào đơn vị đã hy sinh khi chỉ còn mấy ngày nữa là giải phóng Ninh Thuận, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Nhớ về kỷ niệm xưa, tôi vẫn không quên được cảm giác mừng vui, sung sướng tột đỉnh trong ngày đại thắng. Lần đầu tiên tự do đi lại trên đường phố, tôi có cảm giác lâng lâng bay bổng như đi trong mơ. Nhìn lại chặng đường 39 năm qua, không thể không phấn khởi trước hình ảnh quê hương Ninh Thuận hôm nay. Có dịp đi nhiều vùng trong tỉnh, tôi nhận ra sự đổi mới rõ nét trong đời sống thành thị lẫn nông thôn. Tôi tin rằng thế hệ trẻ sẽ tự hào và tiếp bước, đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.

BẠCH THƯƠNG (ghi)

Ông Chamaléa Liệu,

Nguyên thành viên Đảng ủy Mặt trận 1, tham gia giải phóng Ninh Thuận trong ngày 16-4-1975

Cứ mỗi lần tháng Tư đến, cảm giác hân hoan, khí thế, tự hào là người từng tham gia chiến đấu trong ngày giải phóng Phan Rang lịch sử trong tôi lại về. Trong chiến dịch giải phóng Phan Rang vào ngày 16-4, tôi là thành viên của Đảng ủy Mặt trận 1, tham gia mũi tiến công từ hướng đèo Ngoạn Mục về phối hợp với quân chủ lực giải phóng sân bay Thành Sơn. Đã có những đồng đội cùng tôi chiến đấu ngã xuống, cũng có những người vẫn còn đến ngày hôm nay. Đã 39 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm, những giọt nước mắt, nụ cười hạnh phúc của quân và nhân dân ta trong ngày chiến thắng hôm ấy không bao giờ quên trong tôi. Cũng chừng ấy thời gian trôi qua, với tôi quê hương Ninh Thuận đã có những đổi thay rất đáng mừng. Kinh tế, xã hội, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày một đi lên. Đặc biệt, những năm qua với nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho bà con đồng bào Raglai trên vùng đất anh hùng Bác Ái này có những đổi thay đáng kể. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng thời gian tới Bác Ái sẽ có nhiều đổi thay hơn nữa, góp phần thay đổi toàn diện về bộ mặt kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Riêng với bản thân tôi, mặc dù không còn tham gia công tác nhưng tôi vẫn luôn thường xuyên động viên, nhắc nhở con cháu phải thi đua học tập, tích cực tham gia vào các phong trào tại địa phương, phát huy truyền thống cách mạng, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nguyễn Sơn (ghi)

Ông Hồ Mên,

Cán bộ hưu trí ở thôn Long Bình (xã An Hải, Ninh Phước), từng tham gia chỉ huy mũi tấn công giải phóng Phan Rang

Tôi còn nhớ như in cái ngày 3-4-1975, khi quân ta chớp thời cơ diệt toán quân ngụy rút chạy từ Đà Lạt về Phan Rang trên đường 11. Sau khi đánh chiếm ấp Sông Mỹ, ta giải phóng các ấp ven đường 11 từ Krông-Pha đến Đèo Cậu. Lúc ấy, trên đầu máy bay biệt kích, dưới chân pháo địch chặn ráo riết, nhưng quân và dân ta vẫn bám trụ giữ vùng mới giải phóng và phản kích địch, cốt làm sao “đánh nhanh, đánh chắc”, cùng với bộ đội chủ lực đập tan “phòng tuyến từ xa” giải phóng thị xã Phan Rang tạo thế và lực tiến vào giải phóng Sài Gòn. Qua mười mấy ngày đêm giành giật với địch từng tấc đất, cuối cùng quân và dân ta cùng làm chủ được thị xã. Cái thời khắc 9 giờ sáng ngày 16-4-1975, hàng nghìn người dân Ninh Thuận lúc bấy giờ như sống trong giây phút ngừng thở. Anh em, đồng chí, đồng đội nhiều người không kiềm được nước mắt của niềm hạnh phúc lớn. Nhân dân khắp nơi xuống đường, cờ đỏ vàng tung bay trên các nóc phố mừng thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước. Đêm 16-4 cũng là một đêm không ngủ, phần vì niềm vui mới giải phóng, phần vì phải làm nhiệm vụ quyết giữ thành quả cách mạng này.

Đã 39 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng, bộ mặt tỉnh nhà đổi mới rất nhiều. Tỉnh ta đang trên đà phát triển, song cũng còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tôi mong muốn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sẽ đoàn kết một lòng, nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được vạch ra, đưa tỉnh ta thoát khỏi nhóm các tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn, để nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Diễm My (ghi)

Cựu chiến binh Lâm Thế Định,

Nguyên Đại đội trưởng, Đại đội 2, Bộ đội địa phương huyện Thuận Bắc

Cựu chiến binh (CCB) Lâm Thế Định, ở thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, nguyên là Đại đội trưởng, Đại đội 2, Bộ đội địa phương huyện Thuận Bắc, người tham gia chiến đấu giải phóng quê hương Ninh Thuận trong ngày 16-4-1975 chia sẻ: Dù bao nhiêu năm trôi qua, tôi cũng không bao giờ quên được cảm giác hân hoan, không khí hào hùng của ngày 16-4 lịch sử. Ngày ấy, tôi chỉ huy Đại đội 2, phối hợp cùng quân chủ lực tham gia mũi tiến công từ Bà Râu theo hướng Kiền Kiền- Xóm Bằng tiến về Phương Cựu… Đến khoảng 11 giờ ngày 16-4, nghe tin Phan Rang được giải phóng, không khí náo nức lan tràn khắp nơi. Bà con nhân dân ùa cả ra đường, hô vang khẩu hiệu chiến thắng. Nụ cười hòa lẫn với những giọt nước mắt hạnh phúc. Tôi còn nhớ rõ như in những âm thanh của ngày hôm ấy… tiếng những bước chân chạy trên đường làng, những câu hô vang “hòa bình rồi, giải phóng rồi!...”, những vòng tay xiết chặt không cần biết có phải là người thân. Đặc biệt, kỷ niệm đáng nhớ với tôi nhất trong ngày hôm đó là bà con nhân dân làng biển Mỹ Tường đã dốc hết những nắm gạo, mớ cá cuối cùng trong nhà để nấu “chiêu đãi” bộ đội chúng tôi. Đó cũng mãi là bữa cơm ngon nhất mà tôi không bao giờ quên trong cuộc đời mình.

Cảm giác vui sướng đón nhận ngày độc lập của 39 năm về trước có lẽ sẽ không bao giờ phai nhạt trong trái tim mỗi người lính chiến đấu vì quê hương như tôi. Nhưng, không ngủ quên trong niềm vui chiến thắng, ngay sau đó lực lượng bộ đội địa phương chúng tôi đã khẩn trương cùng nhân dân bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố chính quyền, ổn định tình hình an ninh – trật tự. Trong thời bình, tùy vào điều kiện sức khỏe, CCB chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, hăng hái lao động sản xuất cùng gia đình phát triển kinh tế và hăng hái tham gia công tác xã hội ở địa phương. Bản thân tôi luôn cố gắng động viên và tạo điều kiện cho các con học tập, tiếp thu kiến thức, để góp phần xây dựng quê hương. Gia đình tôi chịu khó học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo mô hình trang trại VAC, tạo nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc. 

Bích Thủy (ghi)