Chuyển biến mới trong công tác xây dựng đảng

(NTO) Đã qua 22 năm kể từ ngày tái lập tỉnh và thêm một lần tháng Tư lại về trên quê hương Ninh Thuận, đánh dấu 39 năm giải phóng quê hương.

Nhìn lại chặng đường đã qua, từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân trong tỉnh không ai khỏi dâng lên cảm xúc tự hào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng với thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội và ổn định quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng cũng đã có bước chuyển biến mới, tạo ra sức bật mạnh mẽ về tổ chức bộ máy cán bộ, chất lượng đảng viên và năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ).

 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao bằng khen cho các tập thể
có thành tích xuất sắc về thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (giai đoạn 2011-2013). Ảnh: DL

Ngược dòng lịch sử, tính từ khi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh ta ra đời vào tháng 4-1930 đến nay, hầu như công tác tổ chức xây dựng Đảng luôn gắn liền với lịch sử phong trào cách mạng của nhân dân địa phương. Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 21-8-1945, bước vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, toàn bộ công tác tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Nam Trung Bộ (Khu 6). Giai đoạn đó đã góp phần xây dựng Đảng phát triển rộng khắp, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, tập trung phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhất là từ khi tỉnh nhà được tái lập, công tác tổ chức xây dựng Đảng trong toàn tỉnh đã được tăng cường lãnh đạo. Nói về quá trình 22 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh nhà, nhiều đồng chí làm công tác Tổ chức xây dựng Đảng các cấp trong tỉnh có chung nhận xét: “Trong ngần ấy thời gian, sự lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh thể hiện qua từng năm, nhưng rõ nét nhất là bắt đầu từ những năm 1998, 1999 khi triển khai thực hiện Cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng”.

Ngày nay đội ngũ đảng viên tỉnh nhà đã không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn Đảng bộ tỉnh có 12 Đảng bộ trực thuộc bao gồm 7 Đảng bộ huyện, thành phố; 2 Đảng bộ khối cơ quan, doanh nghiệp và 3 Đảng bộ lực lượng vũ trang với tổng số 457 TCCSĐ, trong đó có 141 Đảng bộ cơ sở (tăng 6 Đảng bộ cơ sở so với năm 2012) và 316 chi bộ cơ sở. Tính đến đầu năm 2014, toàn tỉnh có 14.668 đảng viên. Nếu so với thời điểm tái lập tỉnh vào tháng 4 năm 1992, Đảng bộ Ninh Thuận đã tăng thêm 4 Đảng bộ trực thuộc, 247 TCCSĐ và gần 11.030 đảng viên. Nhìn lại 22 năm qua, có thể khẳng định công tác xây dựng TCCSĐ và đảng viên ở tỉnh ta đã có sự chuyển biến to lớn và quan trọng. Kết quả phân loại TCCSĐ từng năm cho thấy tỷ lệ TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh đã tăng dần. Nhìn ở góc độ công tác đảng viên, cơ cấu thành phần và chất lượng đội ngũ đảng viên trong ngần ấy năm cũng có sự thay đổi đáng kể. Năm 1992, nếu toàn Đảng bộ chỉ kết nạp được 119 đảng viên mới thì năm 2013 kết nạp được 922 đảng viên mới, vượt gần 23% kế hoạch năm. Công tác tổ chức cán bộ được triển khai thực hiện đạt hiệu quả, thể hiện qua công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ được quan tâm và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng. Đơn cử năm qua, cùng với việc đào tạo chuyên môn cho cán bộ, tỉnh ta đã cử 24 cán bộ học các lớp cao cấp lý luận chính trị-hành chính (tập trung) và 110 cán bộ theo học các lớp cao cấp LLCT hệ tại chức, đã chiêu sinh mở nhiều lớp Trung cấp LLCT tại chức, tập trung và đào tạo trình độ chuyên môn cho hàng trăm cán bộ, đảng viên, chưa kể các lớp bồi dưỡng chuyên ngành, trong đó có 4 cán bộ tham gia học bồi dưỡng ở nước ngoài theo đề án 165. Đặc biệt qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế, nhiều cấp ủy địa phương có cách làm sáng tạo, cụ thể, quyết liệt đã có tác dụng tích cực, bước đầu đem lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trải qua 22 năm với những bước chuyển không ngừng, Đảng bộ tỉnh ta đang tiếp tục phát huy thành tựu công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo toàn dân, toàn quân trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn phát triển mới của tỉnh nhà. Trước mắt, trọng tâm nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng năm nay là tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả Đề án và Nghị quyết về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ ở nông thôn, miền núi; tăng cường công tác phát triển đảng viên mới và triển khai đồng bộ, nâng cao chất lượng trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ. Đặc biệt là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI)): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề năm 2014; thực hiện tốt các cuộc kiểm tra, giám sát TCCSĐ, đảng viên theo chương trình kế hoạch đã đề ra và lãnh đạo công tác dân vận theo hướng đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới.