Gặp lại những người mang “Sông núi trên vai”

(NTO) Giữa những ngày toàn tỉnh kỷ niệm 39 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận, chúng tôi có dịp gặp lại anh Văn Công An, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trực Đảng. Anh vẫn trẻ trung, sôi nổi khi nhắc về đồng đội Đoàn H.50 trên chiến trường Khu 6 yêu thương. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn H.50 đã làm nên những chiến công “huyền thoại” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thương nhớ H.50

Anh Văn Công An có mặt tại Đoàn H.50 trong những ngày đầu thành lập, tháng 4-1967. Vừa lãnh đạo đại đội, anh vừa mang tải vũ khí từ biên giới Campuchia phục vụ chiến trường Khu 6. Tuy anh không kể về chiến công của mình nhưng đồng đội nói, anh Ba An là cán bộ đầu tiên của Đoàn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Quân khu. Trong một lần vận chuyển vũ khí, anh mang tải quá nặng, đường trơn bị ngã gãy xương vai. Cấp trên điều anh lên làm cán bộ trợ lý chính trị của Đoàn. Từ đó, anh Ba An có điều kiện gần gũi, chia sẻ gian khổ với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ vận tải của Đoàn H.50.

 
Nữ chiến sĩ Đoàn H.50 nghỉ chân trên đường hành quân (ảnh do chị Nguyễn Thị Ánh cung cấp).

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, tuy bận rộn với nhiệm vụ mới nhưng anh Ba An luôn canh cánh thương nhớ đồng đội thân yêu đã từng công tác chiến đấu tại Đoàn H.50. Anh đã lặng lẽ góp nhặt tư liệu lịch sử cho ra mắt hai tập sách “H.50 ngày ấy” và “H.50 theo dòng trường ca”. Các tác phẩm của anh gởi đến bạn đọc khúc tráng ca về tinh thần chiến đấu, hy sinh gian khổ và thấm đẫm tình yêu thương đồng đội. Anh Ba An chia sẻ: “Viết được vài chục trang sách cho bạn bè đọc là tình cảm thân thương của tôi tưởng nhớ đồng đội Đoàn H.50. Tuy nhiều sự kiện dần lùi xa cùng thời gian nhưng những con người thuở thanh xuân đầy sức sống của Đoàn H.50 luôn tươi trẻ trong tâm hồn tôi”.

Chiến sĩ Đại đội 6 năm xưa

Chúng tôi có dịp đi cùng anh Văn Công An và anh Chamaleá Tiếp, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Bác Ái đến thăm chị Patâu Axá Thị Lính ở thôn Ma Ty, xã Phước Thắng. Những người bạn cũ gặp nhau rạng rỡ niềm vui hội ngộ. Chị Lính nguyên là chiến sĩ Đại đội 6 thuộc Đoàn H.50, đây là đại đội số đông chiến sĩ là người dân tộc Raglai ở vùng chiến khu Anh Dũng, Bác Ái. Với sức trẻ của những chàng trai, cô gái đẹp như hoa Ta- lau của núi rừng, các anh chị mang hàng bền bĩ vượt hàng trăm cây số đường trơn, núi đá cheo leo đưa vũ khí đến khắp chiến trường Khu 6.

 
Anh Văn Công An đến thăm đồng đội Đoàn H.50 ở huyện Bác Ái.

Anh An nói: “Chiến sĩ Đại đội 6 là đơn vị mang hàng khỏe nhất của Đoàn H.50. Anh hùng LLVT Tà Bố Cương quê ở xã Ma Nới luôn đi đầu trong đơn vị hành quân. Anh có tài bắn súng thiện xạ và có khả năng cắt rừng mở đường rất đặc biệt. Được Tà Bố Cương dẫn đường đi là không bao giờ sợ lạc giữa rừng già đại ngàn miền Đông Nam Bộ. Cô Lính hồi con gái nhỏ thấp người nhưng khả năng mang hàng vũ khí gấp rưỡi trọng lượng cơ thể”.

Nhắc lại chiến trường xưa, chị Patâu Axá Thị Lính cười hồn hậu: “Tui nhớ nhất là kỷ niệm nhịn đói suốt sáu ngày bên bờ sông Đặt Lung. Khi giao hàng xong trên đường trở về đến sông Đặt Lung gặp nước lũ chảy xiết, máy bay địch thả bom làm đứt bè. Anh chị em phải nằm lại bên sông chờ nước rút mới về lại được hậu cứ. Dù cuộc sống gian khổ, thiếu cơm lạt muối, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau “nơi nào cần C6 có; nơi nào khó có C6”.

Vợ chồng đều là Dũng sĩ

Vợ chồng anh Nguyễn Thành Nhiên, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Thuận và chị Võ Thị Túc đều là Dũng sĩ Quyết thắng của Đoàn H.50. Anh Nhiên từng là Chính trị viên Đại đội 3, vừa lãnh đạo đơn vị vừa mang hàng và chỉ huy chiến đấu trên đường dây vận tải. Lịch sử đi qua gần 40 năm nhưng kỷ niệm sâu sắc của anh Nguyễn Thành Nhiên gần như nguyên vẹn với Đoàn H.50. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà khang trang tại phường Thanh Sơn, anh kể: “Tên khai sinh của mình là Nguyễn Văn Nhiên. Tôi có người cháu họ tên Lê Thành Công, hai chú cháu cùng về Đoàn H.50 rồi công tác chung đại đội. Ngang tuổi nhau, cùng một cở trang phục nên chú cháu mặc chung áo quần của nhau. Tình cảm chú cháu thân thiết nên khi Công hy sinh trong một lần vận chuyển lương thực tiếp tế cho đơn vị bạn, thương tiếc cháu, người đồng đội thân yêu, tôi đổi tên Nguyễn Thành Nhiên.”.

 
Anh Nguyễn Thành Nhiên, nguyên Chính trị viên Đại đội 3 thuộc Đoàn H.50.

Cứu thương đồng đội

Chị Nguyễn Thị Ánh, nguyên là y tá Đại đội 8 hiện nay nghỉ hưu tại xã An Hải, huyện Ninh Phước. Chị cho chúng tôi xem những tấm ảnh đen trắng gắn liền kỷ niệm thời thanh xuân tươi đẹp của chị cùng đồng đội Đoàn H.50. Chị Ánh kể, sau lưng là vũ khí, trước ngực là túi thuốc cứu thương cùng đồng đội hành quân mang tải vũ khí trên chiến trường Khu 6. Mỗi tháng luôn có mặt trên cung đường 28-30 ngày với khối lượng mang trên vai 40-50 kg. Đường hành quân hiểm nguy, gian khổ nhưng khi dừng chân, chị em vẫn vui sống lạc quan, luyện tập văn nghệ, núi rừng rộn rã tiếng cười con gái Đoàn H.50.

Với trách nhiệm y tá đại đội, chị Ánh đã hết lòng chăm sóc đồng đội bảo đảm sức khỏe phục vụ chiến đấu. Có những lúc chị phải ở lại giữa rừng 2-3 ngày chăm sóc đồng đội bị bệnh không đủ sức hành quân theo đơn vị. Hình ảnh anh Thành ở Đại đội 3 luôn là kỷ niệm khó quên trong chị. Anh Thành trên đường vận tải vũ khí chẳng may bị sốt rét ác tính rơi vào tình trạng hôn mê được chị cấp cứu hồi tỉnh. Ngay trong đêm, chị Ánh và 4 chiến sĩ khỏe mạnh thay nhau cáng anh Thành lên bệnh xá, cách trạm đóng quân Đại đội 8 khoảng một ngày đường.

 
Chị Nguyễn Thị Ánh xem lại hình ảnh kỷ niệm Đoàn H.50.

Đám cưới H.50

Có thể nói tình yêu lứa đôi của cán bộ, chiến sĩ Đoàn H.50 đẹp như bài thơ. Tuy sống, chiến đấu trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhưng đạn bom quân thù không ngăn được điều thổn thức kỳ diệu của con tim. Có những bức thư tình được viết trên đầu đạn B.40; có những lời hò hẹn đợi nhau đến ngày chiến thắng... Và cũng có những đám cưới được tổ chức giữa trạm đóng quân của các đơn vị thuộc Đoàn H.50. Giữa năm 1973, chị Nguyễn Thị Lan ở Đại đội 4 và anh Trần Văn Ngộ, cán bộ quân lương của Đoàn H.50 tổ chức đám cưới tại cung đường 20 thuộc tỉnh Lâm Đồng. Anh chị em đơn vị dự đám cưới được cô dâu chú rễ đãi kẹo gạo rang và uống nước gạo rang. Tháng 4- 1974, chị Lan sinh cháu trai đầu lòng đặt tên Trần Văn Lâm để nhớ về vùng chiến khu tỉnh Lâm Đồng. “Cháu Lâm lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của đồng đội. Nhìn thấy cháu trưởng thành, tui luôn nhớ về tình cảm thân thương của chị em Đoàn H.50. Đọc tập sách của anh Ba An viết về Đoàn H.50, tôi thấm thía sự gian khổ, hy sinh của lớp thanh xuân chúng tôi ngày ấy”, chị Lan nói.

 
Chị Nguyễn Thị Lan đọc tập sách H.50 ngày ấy của tác giả Văn Công An.

Nhân chứng H.50

Dược sĩ Trần Tuấn Hùng nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận nay nghỉ hưu ở phường Đài Sơn. Thời kỳ chống Mỹ, anh đảm nhận việc tiếp nhận thuốc men được Trung ương chi viện cho chiến trường Khu 6 theo bước chân vận tải Đoàn H.50. Anh có nhiều năm công tác gắn bó thiết thân với cán bộ, chiến sĩ Đoàn H.50.

Dược sĩ Trần Tuấn Hùng cho biết, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn H.50 có thời điểm lên đến gần 1.000 người, số đông là nữ. Chị em đã hành quân phục vụ chiến trường suốt tám năm ròng rã mang những kiện hàng gấp rưỡi, gấp đôi trọng lượng cơ thể. Chị em mang hàng vượt qua núi cao, vực thẳm, sông sâu thường xuyên bị máy bay địch ném bom càn quét. Cuộc sống thiếu thốn, có lúc phải ăn gạo ngấm chất độc hóa học “làm no” tiếp tục đường hành quân. Chiến công huyền thoại của cán bộ, chiến sĩ Đoàn H.50 tô thắm trang sử hào hùng chống xâm lược của dân tộc Việt Nam.

Cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Đoàn H.50 tạo nguồn cảm xúc cho nhà thơ Anh Ngọc viết trường ca “Sông núi trên vai” và nhà thơ Đỗ Quang Vinh viết trường ca “Năm tháng ấy, chiến trường này”. Những trường ca đi cùng năm tháng gắn với phiên hiệu Đoàn H.50 Anh hùng trên chiến trường Khu 6 yêu thương.