DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Phước Bình: Phát triển chuỗi giá trị thế mạnh gắn với xây dựng hạ tầng nông thôn

(NTO) Phước Bình là xã cách xa trung tâm của huyện lỵ miền núi Bác Ái nhất, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 28.000 ha, với dân số hơn 3.950 người, trong đó gần 90% là đồng bào dân tộc Raglai. Từ các nguồn lực đầu tư của nhiều dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ, những năm qua kinh tế-xã hội của Phước Bình đã có những bước phát triển mới.

Theo đánh giá của Ban Phát triển Dự án Hỗ trợ tam nông xã, trong năm 2013, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 1.573 ha, trong đó, tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 4.300 tấn, tăng hơn 13% so với kế hoạch của năm. Thực hiện Dự án HTTN, trong năm qua địa phương đã hoàn thành cơ bản các hợp phần được triển khai theo đúng kế hoạch.

Nông dân xã Phước Bình thu hoạch chuối.

Theo đó, đã mở 3 lớp tập huấn năng lực về trồng trọt và chăn nuôi cho hơn 120 thành viên các tổ, nhóm cùng sở thích và nhân dân trong vùng dự án; thành lập được 6 nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò, trồng cây ngắn ngày (bắp, chuối) tại 6 thôn, trong đó 2 nhóm đã đi vào hoạt động theo quy chế đề ra. Về xây dựng công trình hạ tầng cũng đã hoàn thành hơn 520 mét đường nội đồng vào khu sản xuất Bố Lang, với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng.

Theo đồng chí Pi-năng Hoàng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phát triển xã, một trong những thuận lợi lớn nhất của Dự án HTTN sau khi được triển khai tại địa phương chính là giải quyết được nhiều khó khăn cho người dân hiện đang gặp phải như: hệ thống giao thông nội đồng, sân phơi, hệ thống kênh mương; các lớp tập huấn nâng cao năng lực giúp người dân tiếp cận và áp dụng nhanh các kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đây là dự án còn khá mới, đặc biệt nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản không có chế độ hỗ trợ, bồi thường như các chương trình mục tiêu khác nên trong quá trình triển khai xây dựng các công trình cơ bản (thuộc hợp phần 3) địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do đa số công trình khi đầu tư đều có ảnh hưởng đến một phần diện tích đất sản xuất, cây trồng của bà con nên công tác tuyền truyền, vận động được Ban phát triển xã rất quan tâm. “Ngoài việc thường xuyên cử cán bộ đến vận động người dân, chúng tôi còn lập danh sách cụ thể những người dân có diện tích sản xuất của bị ảnh hưởng, tuy không hỗ trợ bằng tiền nhưng vẫn tổ chức khen thưởng, ghi nhận những đóng góp của các hộ này tại các hội nghị sơ kết, tổng kết để động viên tinh thần, nhằm tạo được sự đồng thuận trong quá trình triển khai các hợp phần”-đồng chí Pi-năng Hoàng cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thế mạnh hiện nay của Phước Bình là dựa vào hai loại cây ngắn ngày bắp lai thương phẩm và chuối, trong đó diện tích cây chuối hiện có trên 800 ha, cây bắp trên 600 ha. Hai loại cây này đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân. Vì vậy, trong định hướng về phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 cũng như thời gian tới, Ban phát triển xã đã xác định thành lập thêm các tổ, nhóm liên quan đến hai loại cây này, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng hàng hóa. Theo đó, đối với cây chuối sẽ chú trọng định hướng cho người dân trồng tập trung có hướng đầu tư, chăm sóc hợp lý; riêng với cây bắp lai, trước mắt trong năm nay địa phương sẽ đầu tư khoảng 2.000 kg giống hỗ trợ thêm cho hộ nghèo và cận nghèo phát triển mở rộng diện tích. Ngoài ra, một trong những công tác mà địa phương chú trọng chính là đầu tư vào các công trình xây dựng cơ bản. Bởi hiện nay, diện tích phát triển sản xuất của địa phương khá lớn, nhưng hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, sân phơi để phục vụ chưa đáp ứng đủ. Theo kế hoạch, trong năm nay, Phước Bình sẽ đầu tư mở rộng thêm 3 công trình phục vụ cho sản xuất gồm: công trình nước tự chảy thôn Hành Rạc 1, đường nội đồng vào khu sản xuất Hành Rạc 2 và sân phơi thôn Bạc Ray 1.