DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Đẩy mạnh hoạt động: Quỹ Phát triển vì cộng đồng

(NTO) Hợp phần 3 (Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh) do UBND 6 huyện và UBND 27 xã chủ trì thực hiện để lập và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có sự tham gia của cộng đồng theo định hướng thị trường cấp xã (MOP-SEDP), gồm các nội dung chính: Xây dựng năng lực lập kế hoạch cho MOP-SEDP; thu hút người nghèo tham gia vào chuỗi giá trị; lập Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF).

Hiện nay, cơ bản 27 xã vùng dự án đã hoàn thành bản lập MOP-SEDP năm 2014; 143 thôn đã xây dựng kế hoạch phát triển thôn bản cụ thể và xác định chuỗi giá trị thuộc thế mạnh địa phương.

Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ hợp phần 3 và hướng dẫn Sổ tay CDF.

Hợp phần 3 có tổng số 11 hoạt động chính, trong đó Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện thực hiện 8 hoạt động và Ban Phát triển xã thực hiện 3 hoạt động. Năm 2013, Ban điều phối dự án tỉnh (PCU) triển khai thực hiện việc lập kế hoạch MOP-SEDP tại thôn; các hoạt động ở tiểu hợp phần “Thu hút người nghèo tham gia vào các chuỗi giá trị” và tiểu hợp phần “ Quỹ phát triển cộng đồng”. Đối với tiểu hợp phần “Thu hút người nghèo tham gia vào các chuỗi giá trị”, hiện nay đã thành lập được 148 nhóm cùng sở thích tại 27 xã vùng dự án, trong đó có 95 nhóm chăn nuôi (bò, dê, cừu, heo đen, gà, vịt), 2 nhóm nuôi trồng thủy sản (cá mú, hàu), 50 nhóm trồng trọt (táo, tỏi, nho, hành tím, lúa, khoai mì, mía, bắp, chuối, đậu xanh) và 1 nhóm thủ công mỹ nghệ. PCU đã hỗ trợ hàng trăm con giống, hàng chục thiết bị vật tư nông nghiệp cho các nhóm chung lợi ích để phát triển các chuỗi táo, bò, heo đen, dê, cừu... Đặc biệt về hạ tầng nông thôn, thực hiện tiểu hợp phần “Quỹ phát triển cộng đồng”, trong năm 2013 các Ban Phát triển xã tiến hành thi công xong 69/75 công trình, trong đó bao gồm 62 công trình hạ tầng chung và 7 công trình cơ sở hạ tầng sản xuất. Các công trình hạ tầng chung chủ yếu là đường giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương thủy lợi, nâng cấp chợ; công trình cơ sở hạ tầng sản xuất là các công trình cho khu sản xuất phục vụ chuỗi giá trị, ví dụ đường vào vùng sản xuất...

Nhìn chung qua triển khai thực hiện Hợp phần 3 trong năm 2013, công tác triển khai MOP-SEDP tại các xã bao gồm công tác đào tạo nhân sự lập kế hoạch xã đến nay tương đối đạt yêu cầu. Theo ông Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc PCU, kết quả bản MOP-SEDP 2014 tại 27 xã dự án có nhiều cải thiện, định hướng được các chuỗi giá trị ưu tiên của xã và các giải pháp can thiệp, thể hiện được việc sử dụng nguồn lực dự án và ngoài dự án để phát triển các chuỗi giá trị này. Nhu cầu của các nhóm cùng sở thích được tổng hợp vào nhu cầu từ thôn, thông tin về nguồn vốn CDF được Ban Phát triển xã thông báo đến từng thôn nhằm phục vụ công tác đề xuất các nhu cầu. Trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn, nhưng được sự lãnh, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của Ban Chỉ đạo dự án tỉnh, sự quan tâm hướng dẫn của PCU, DASU nên các địa phương đã triển khai thực hiện kịp thời các hoạt động theo kế hoạch đề ra, chất lượng và hiệu quả công tác từng bước được nâng lên và có sự tiến bộ đáng kể so với năm trước.

Tuy nhiên, để thực hiện đạt hiệu quả cao hợp phần 3 trong năm nay, từ kinh nghiệm đã qua, PCU đề nghị các nhóm cùng sở thích có kế hoạch sản xuất kinh doanh đầy đủ và khả quan, có hiểu biết về thị trường tiềm năng và liên kết thương mại với nhà cung cấp vật tư nông nghiệp, thương lái hoặc doanh nghiệp. Ban Phát triển xã cần chủ động thực hiện điều hành về đầu tư công trình hạ tầng. Các công trình CDF phải đảm bảo tỷ lệ đóng góp của người dân, vốn đối ứng của Nhà nước và vốn IFAD (Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế). Theo đó, PCU, DASU tập trung vào hướng dẫn tổ chức thực hiện, quản lý CDF ở từng cấp; đặc biệt là trong công tác đầu tư cho các chuỗi giá trị trong MOP-SEDP và công tác khuyến khích người nghèo tham gia vào tổ nhóm cùng sở thích.