Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp, nâng cao nhận thức và niềm tin về Hiến pháp để hình thành ý thức tự giác, tôn trọng và chấp hành Hiến pháp; bảo đảm cho Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong mọi tầng lớp nhân dân...

Việc tuyên truyền sâu rộng nội dung của bản Hiến pháp sửa đổi còn nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhận thức của đảng viên và đội ngũ cán bộ, công chức về Hiến pháp, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt những quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Đồng thời thông qua công tác tuyên truyền để đấu tranh với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng việc ban hành Hiến pháp để xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Theo đó, những nội dung cơ bản cần tập trung tuyên truyền là:

Một là, tuyên truyền khẳng định Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.

Hiến pháp sửa đổi đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học; đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra là đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đây cũng là bản Hiến pháp vừa kế thừa được giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hoá các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).

Hai là, tuyên truyền về những nội dung cơ bản, nêu lên những điểm mới của bản Hiến pháp.

Với bố cục 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định rõ ràng, đúng đắn, đầy đủ và khái quát hơn về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Ba là, phổ biến, tuyên truyền về một số vấn đề cần lưu ý trong đấu tranh làm thất bại những luận điệu kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Bảo vệ tính đúng đắn của Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối của Đảng. Bác bỏ những quan điểm sai trái, nhất là những quan điểm, như: Phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận con đường XHCN; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi lập các tổ chức để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, muốn nước ta đi theo con đường xã hội dân chủ tư sản…

Đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, gây rối, phá hoại việc thực thi Hiến pháp, nhất là những quan điểm, như: Phủ nhận đóng góp của Hiến pháp năm 1992 và những điểm bổ sung, điểm mới của Hiến pháp; không công nhận Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2013; xuyên tạc dân chủ XHCN trong quá trình thực thi Hiến pháp và pháp luật; vu khống, xuyên tạc quyền công dân, quyền con người trong Hiến pháp; thổi phồng sơ hở, yếu kém của hệ thống chính trị để kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...

Phê phán những quan điểm cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không tạo ra những chuyển biến lớn; quá trình sửa đổi tiến hành hình thức, không bảo đảm dân chủ…

Để việc tuyên truyền, phổ biến đạt chất lượng, hiệu quả cao, công tác phân công trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện được nêu rõ trong Hướng dẫn như sau:

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng các bộ Tư pháp, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan biên soạn tài liệu cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; bạn bè quốc tế; tổ chức bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về Hiến pháp; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo định hướng tuyên truyền về Hiến pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền Hiến pháp bằng nhiều hình thức thích hợp, phổ biến sâu rộng các nội dung cơ bản, những điểm mới được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân; giáo dục tinh thần chấp hành Hiến pháp, ý thức trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật…

Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của ngành, địa phương mình tuyên truyền về Hiến pháp; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nghiên cứu, học tập và thực thi Hiến pháp; nắm diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai Hiến pháp, kịp thời định hướng dư luận và xử lý những vấn đề nổi cộm, phức tạp.

Các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, xuất bản ấn phẩm, đăng tải các nội dung liên quan đến Hiến pháp; thường xuyên đưa tin, bài phản ánh các hoạt động nghiên cứu, học tập, triển khai Hiến pháp; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; phê phán những nhận thức sai trái, lệch lạc về Hiến pháp; đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền trong tổ chức thực thi Hiến pháp; tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao ý thức, tinh thần tự giác chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong đoàn viên, hội viên của mình nội dung của Hiến pháp, nâng cao nhận thức và niềm tin về Hiến pháp để hình thành ý thức tự giác tôn trọng và chấp hành Hiến pháp; bảo đảm cho Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong mọi tầng lớp nhân dân và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cùng với những nội dung trên, Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ rõ: Việc tuyên truyền đầy đủ các nội dung của Hiến pháp cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng thời cùng với quá trình thể chế hoá các vấn đề cơ bản của Hiến pháp thành các luật và các văn bản dưới luật gắn với quá trình tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật; phải được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.