Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

“Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”

(NTO) Mừng Xuân mới Giáp Ngọ 2014. Mừng Sinh nhật Đảng lần thứ 84 – Chúng ta vô cùng tự hào về Đảng ta, nhân dân ta, tự hào về con đường mà chúng ta đã và đang đi, tự hào về những thắng lợi vĩ đại mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong niềm vui chung của những ngày đón chào xuân mới, chúng ta lại càng tự hào và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con vĩ đại, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đã hiến dâng tất cả tình cảm và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người Việt Nam.

 
Ngày 30-5-1957, Bác Hồ thăm cảng Hải Phòng và nói chuyện với nhân dân thành phố.

Năm 2014, chúng ta tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, gắn với chủ đề xuyên suốt: “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”; đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác trở thành nền nếp, gắn với thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng – đây là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, trau dồi phẩm chất chính trị tư tưởng… khắc phục khuyết điểm của mỗi cá nhân để thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.

Về tinh thần trách nhiệm: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý thức trách nhiệm của mỗi người trước hết thể hiện trong quan hệ với nhiệm vụ được giao, với công việc phải làm. Khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình. Nếu làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm. Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, mọi công tác, mọi hoàn cảnh đều phải có tinh thần trách nhiệm.

Ý thức trách nhiệm biểu hiện trong việc nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ; thực hiện đúng đường lối quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đảng và Chính phủ đề ra chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, thấu hiểu hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người thấu hiểu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm tròn nhiệm vụ.

Bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư, tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm.

Về chủ nghĩa cá nhân: Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên không phải cứ viết lên trên trán mình 2 chữ “cộng sản” là được nhân dân yêu mến, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”, một trong những nguy cơ đe dọa tồn vong của Đảng. “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá từ trong phá ra”.

Chủ nghĩa cá nhân luôn biến hóa “muôn hình vạn trạng”, bởi thế có nhiều người mơ hồ (hoặc cố ý mơ hồ), cho rằng đó là căn bệnh người khác mắc phải, còn mình thì không. Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, là bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra trăm thứ bệnh nguy hiểm khác” và Người chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: Bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo; bệnh “hữu danh, vô thực” (loại bệnh có biểu hiện là làm được ít nhưng báo cáo, khoe khoang thì nhiều); bệnh cận thị (loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý thấy cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh và a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng. “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và con người nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Và Người khẳng định rằng, chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng song hành với quyết tâm đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân bên trong mỗi người đảng viên.

Nói đi đôi với làm: Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Ở Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức. Hồ Chí Minh cho rằng “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang đến gần, Bác kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng một hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương thực hiện trước. Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần kiệm trước đã. Trước hết mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về 3 mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó”. Người nhắc nhở đảng viên: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.

Người chủ trương “Lấy người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau, là một trong những cách làm tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trước dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu mà dân đặt ra, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Nói đi đôi với làm là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng nền đạo đức mới. Chính tấm gương “lời nói đi đôi với việc làm” của mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay bằng những việc làm tốt, dù nhỏ nhưng có ích cho sự nghiệp chung. Nói một cách khác, làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm là đòi hỏi cấp bách đối với mỗi chúng ta hôm nay.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện NQTW4 (khóa XI): "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm có ý nghĩa rất to lớn và là việc làm quan trọng, cần thiết đối với sự nghiệp cách mạng nước ta; tạo bước chuyển biến mới, nhiều niềm tin mới, khí thế mới trong xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.