Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè

(NTO) Theo ghi nhận của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 411 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng. Riêng tháng 3 và tháng 4 có 313 trường hợp, tăng 3 lần so với 2 tháng đầu năm; bệnh sốt xuất huyết có 66 trường hợp, tăng gấp 2 lần. Các bệnh sốt do nhiễm siêu vi, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa mắc tản phát. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến cũng trở thành mối lo ngại cho sức khỏe nhân dân trong tỉnh.

Bác sỹ Phan Thị Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Để ngăn ngừa và hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh có thể xảy ra, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh năm 2013, với mục tiêu giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm dịch bệnh, bao vây khống chế, cách ly và xử lý kịp thời. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới thu dung và điều trị bệnh nhân.

Phòng chống dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến nuôi,
Trung tâm Y tế Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tiến hành phun thuốc tiêu độc,
khử trùng khu vực dân cư nơi có ổ dịch.

Xử lý kịp thời và triệt để ổ dịch khi dịch xảy ra; giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh dịch gây ra. Hiện tại, ngành đang tập trung xử lý vòng ngoài ổ dịch cúm A/H5N1 trên chim yến nuôi tại cơ sở Thanh Bình, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm; giám sát các dấu hiệu bất thường đối với người có tiếp xúc với chim yến tại các cơ sở nuôi; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống bệnh tay-chân-miệng, cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 đang có nguy cơ lây lan cao.

Ứng phó với dịch cúm A/H5N1, Trung tâm Y tế Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đã tiến hành tổng hợp danh sách gần 200 người có tiếp xúc trực tiếp với chim yến tại 58 cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn họ cách phòng lây bệnh cúm từ chim yến sang người. Ông Phạm Trọng Hoàng Vũ, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết, đến nay mặc dù chưa phát hiện ca nào mắc bệnh cúm A/H5N1, Trung tâm đã tiến hành ngay việc phun thuốc tiêu độc khử trùng vòng ngoài tại cơ sở nuôi Thanh Bình và địa bàn khu dân cư cách khu vực có ổ dịch chim yến bán kính 50m với tần suất 2 lần/ngày; cách 3 ngày tiếp tục phun đợt 2; đồng thời phát Cloramin B và hướng dẫn người dân cách pha dung dịch tự vệ sinh nhà cửa đề phòng cúm A/H5N1. Đồng thời, chỉ đạo Đội Y tế dự phòng của thành phố và Trạm Y tế các phường Đạo Long, Kinh Dinh thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ dịch bệnh để kịp thời xử lý khi phát hiện dấu hiệu bất thường.

Không những đối phó với dịch cúm gia cầm, bệnh tay-chân-miệng hiện đang có nguy cơ bùng phát với số ca mắc cao và lưu hành trên cả 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Nổi lên là địa bàn huyện Ninh Hải, với 137 ca và Tp.Phan Rang-Tháp Chàm với 107 ca; huyện Bác Ái những năm trước không có ca tay-chân-miệng nào, nay đã phát hiện 3 ca mắc. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường trọng điểm có số ca bệnh cao tập trung xử lý môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân cách phòng bệnh; cung cấp dung dịch sát khuẩn; yêu cầu các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo nghiêm túc thực hiện vệ sinh phòng học, đồ chơi, rửa sạch tay, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng và diễn biến bệnh dịch khó lường như hiện nay, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống sôi, sử dụng các nguồn thực phẩm còn tươi; không chế biến thịt gia súc, gia cầm đã chết hoặc nhiễm bệnh; tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và ăn uống, giữ sạch nơi ở để tránh các bệnh do vi-rút lây lan.