Hướng tới xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động

(NTO) Bảo đảm An toàn vệ sinh lao động- Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, gắn với sự tồn tại, phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nhân Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 15 năm 2013, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Anh Việt, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội, Phó Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN của tỉnh chung quanh vấn đề này.

Đồng chí Trần Anh Việt, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội, Phó Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN của tỉnh

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tình hình tai nạn lao động (TNLĐ), cháy nổ trong thời gian qua?

Đồng chí Trần Anh Việt: Thời gian qua, mặc dù các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, triển khai thực hiện nhiều đợt thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện các quy định ATVSLĐ-PCCN tại các đơn vị, doanh nghiệp, tuy nhiên, tình hình TNLĐ, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp vẫn còn xảy ra ở mức cao. Năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ TNLĐ, làm chết 4 người, 9 người bị thương, tăng 4 vụ so với năm 2011. Trong đó có 6 vụ là do TNLĐ xảy ra đối với người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc và từ nơi làm việc về nơi ở làm chết 2 người, 4 người bị thương. Nguyên nhân còn lại là do người lao động sơ xuất, không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, biện pháp ATLĐ, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong khi làm việc; việc tổ chức lao động ở cơ quan, đơn vị không phù hợp, thiết bị sản xuất không đảm bảo an toàn... Về tình hình cháy nổ, năm 2012, xảy ra 6 vụ, trong đó, 4 vụ xảy ra tại cơ sở sản xuất, 2 vụ cháy chợ, thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng qua đó cũng thể hiện sự thiếu ý thức trách nhiệm, chủ quan của một số chủ doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện các quy định PCCN, chưa quan tâm đầu tư đúng mức trang bị về phương tiện chữa cháy cần thiết, bố trí đủ lực lượng bảo vệ ban đêm và tập huấn công tác chữa cháy. Công tác quản lý, kiểm tra, tham mưu và hướng dẫn an toàn phòng cháy chữa cháy tại địa bàn, cơ sở chưa chặt chẽ; công tác điều tra cơ bản, xác định cơ sở cần quản lý chưa nghiêm túc nên hiệu quả trong việc thực hiện các công tác này còn nhiều hạn chế.

Phóng viên: Tuần lễ Quốc gia “ATVSLĐ-PCCN” năm 2013 có chủ đề “Tăng cường văn hoá an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”, vậy tỉnh ta có những giải pháp gì để thực hiện tốt nội dung này?

Đồng chí Trần Anh Việt: Trước mắt, tỉnh ta đang tập trung thực hiện tốt Tuần lễ Quốc gia “ATVSLĐ-PCCN” lần thứ 15, diễn ra từ ngày 17 đến ngày 23-3. Mục tiêu đặt ra đó là thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất-kinh doanh đối với công tác ATVSLĐ-PCCN. Trong thời gian này, ngoài việc đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền như: Phát hành các ấn phẩm hướng dẫn, tổ chức tư vấn pháp luật, mít-tinh, hội thi, hội thao về ATVSLĐ-PCCN…, các ngành, địa phương, cơ quan chức năng sẽ tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất-kinh doanh. Trong thời gian tiếp theo, công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra tiếp tục được duy trì, mở rộng, triển khai trên toàn tỉnh, nhất là ở các cơ sở kinh tế tư nhân, các làng nghề, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, các ngành, các cấp sẽ tổ chức và chỉ đạo các đơn vị sử dụng lao động ký cam kết thực hiện các mục tiêu cải thiện điều kiện lao động, giảm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Thường xuyên tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tự kiểm tra các thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; kiểm tra các dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy, kịp thời thay thế và bổ sung những thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết. Tập trung rà soát, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, tình hình TNLĐ và bệnh nghề nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; cương quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về lao động, qua đó góp phần tích cực nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội đối với công tác ATVSLĐ-PCCN, đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, hướng tới “Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động”.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!