Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ bản thân

Từ ngày 15/3 - 15/4/2013, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia mở chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức về việc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông, nhằm giúp họ ý thức được rằng đội MBH đạt chuẩn là bảo vệ chính mình.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH giả từ ngày 15/4/2013, sau 1 tháng tuyên truyền cho người dân.

70% mũ bảo hiểm trên thị trường là rởm

"Đây này, mũ giả, mũ thật thì cũng thế thôi!", ông Văn Triều, người bán MBH góc đường Văn Miếu (Hà Nội) vừa nói vừa lấy tay vỗ bồm bộp vào chiếc MBH lưỡi trai chỉ gồm vỏ nhựa và lớp mút mỏng phía trong, như để chứng minh độ cứng của chiếc mũ. Không nhãn mác, không tem kiểm định chất lượng, không rõ xuất xứ, nhưng hàng ngàn chiếc MBH như trên được bán ra từ khắp các nẻo đường Hà Nội trong mỗi ngày. Người bán vẫn đắt hàng, người mua vẫn vô tư mua và không biết đến quyết định xử phạt người sử dụng MBH giả sẽ có hiệu lực vào tháng 4 tới.

Khách hàng tìm mua mũ bảo hiểm đạt chuẩn tại một cửa hàng ở Hà Nội. 

Qua tìm hiểu, PV Tin Tức được biết, người bán chỉ nhập với mức giá từ 10.000 - 20.000 đồng cho mỗi chiếc MBH giả. Dọc nhiều tuyến phố của Hà Nội như: Phố Huế, Đường Láng, Khâm Thiên, Nguyễn Thái Học..., những chiếc MBH kém chất lượng được bày bán la liệt. Với chỉ từ 30.000 đồng, khách hàng đã có thể sở hữu MBH thời trang để qua mắt lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Không chỉ được bày bán la liệt trên đường phố, MBH kém chất lượng còn được người bán trà trộn trong nhiều cửa hàng bán MBH có uy tín. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cửa hàng MBH hiện nay, để đáp ứng nhu cầu và túi tiền của “thượng đế” đều kinh doanh đa dạng các loại MBH, với tiêu chí đáp ứng được nhu cầu đẹp, rẻ của khách hàng.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để nhận diện MBH, người tiêu dùng căn cứ vào tem dán CR và giấy chứng nhận hợp quy. Giấy này được nhà sản xuất cấp cho các đại lý chính hãng. Khi mua, người tiêu dùng kiểm tra bằng cách đề nghị nơi bán cho xem giấy chứng nhận để đối chiếu kiểu mẫu. MBH đạt chuẩn phải có lớp xốp hấp thụ xung động, quai đeo chắc chắn, lớp vỏ nhựa phải chịu được lực va đập, đâm xuyên...

Trong khi người bán thờ ơ với chất lượng MBH, thì người mua cũng chẳng quan tâm đến việc chọn mua mũ đạt chuẩn. Đề cập đến thông tin người tham gia giao thông tới đây sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng/lần nếu bị phát hiện đội MBH giả, phóng viên nhận được phản ứng khá gay gắt từ nhiều người dân. Cô Thúy Phượng, nội trợ, cho hay: "Tôi và gia đình vẫn thường dùng loại mũ này từ trước đến nay. Nếu Nhà nước cấm đội loại mũ này thì phải cấm ngay từ đầu, ngay từ lúc người ta mua bán mũ, chứ tại sao phạt người sử dụng?".

Thực tế trên đã lý giải cho việc chứng minh tại sao hiện nay trên thị trường có tới 70% MBH đang bày bán và lưu hành là kém chất lượng (theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia). Con số thống kê cũng chỉ ra, sau 5 năm vận động toàn dân đội MBH, tỷ lệ đội mũ của người dân trong cả nước hiện đạt 90%, nhưng chỉ có 30% là đội mũ đạt chất lượng. Điều đáng buồn là dường như người tiêu dùng chấp nhận sử dụng loại mũ dởm khi tham gia giao thông. 

Đội mũ rởm xử phạt như không đội

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, 2 tháng đầu năm 2013, số vụ tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số người chết lại tăng 18%. Một trong những nguyên nhân là do người tham gia giao thông đội MBH kém chất lượng. Còn theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), từ tháng 2/2013, Cục đã ra quân xử lý vi phạm hành chính về kinh doanh MBH. Qua kiểm tra cho thấy, 100% các cơ sở bị kiểm tra đều có vi phạm. Các tổ quản lý thị trường đang tập trung kiểm tra và xử lý vi phạm kinh doanh MBH tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

“MBH đạt tiêu chuẩn là những loại mũ đã qua kiểm định và được dán tem quy chuẩn. Phần lớn MBH đang lưu hành trên thị trường là mũ kém chất lượng, chủ yếu được người tham gia giao thông đội để đối phó với lực lượng chức năng. Vì vậy, những người sử dụng mũ rởm, thậm chí là mũ cho người đi bộ, mũ chơi thể thao phải bị xử lý như những trường hợp không đội MBH khi tham gia giao thông”, các chuyên gia giao thông cho biết.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, từ 15/3 - 15/4/2013, trong vòng 1 tháng, Ủy ban phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng chuyên ngành sẽ tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ tác hại của việc đội MBH giả, kém chất lượng; hành vi đội MBH giả cũng bị xử phạt như không đội MBH; đồng thời ra quân kiểm tra hành vi kinh doanh MBH giả, kém chất lượng trên thị trường... Từ ngày 15/4/2013, các lực lượng chức năng bắt đầu xử lý trường hợp đội MBH giả, kém chất lượng. Mới đây, bốn Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Công an, Khoa học Công nghệ đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người tham gia giao thông. Đây là hành lang pháp lý cho các cơ quan chức năng thi hành công vụ có đủ cơ sở, chế tài để xử lý các hành vi vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp: Không đặt mục tiêu xử phạt người sử dụng MBH rởm

Quan điểm của Ủy ban ATGT Quốc gia hiện nay là các hành vi không đội MBH và đội MBH không đạt chuẩn đều bị xử phạt. Thế nhưng, để cơ quan chức năng phạt được người tham gia giao thông đội MBH không đạt chuẩn cũng rất khó, vì chưa đủ trang thiết bị kiểm tra, để phát hiện mũ giả, mũ thật. Do đó, Ủy ban tập trung tuyên truyền người dân sử dụng MBH đúng quy chuẩn để bảo vệ chính mình. Trong đợt cao điểm này, Ủy ban không đặt mục tiêu xử phạt mà đặt mục tiêu giúp người dân cần có ý thức bảo vệ chính mình. 

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Đường bộ, đường sắt Hà Nội: Cần có chế tài cho CSGT xử lý MBH rởm, kém chất lượng 

Lực lượng CSGT hiện không chỉ thiếu trang thiết bị để nhận biết đâu là mũ thật, đâu là mũ giả, mà ngay cả chế tài xử phạt cũng chưa có. Nghị định 34/CP và Nghị định 71/CP chỉ quy định hành vi không đội MBH và đội MBH không đúng cách, chứ không có chế tài cụ thể xử phạt MBH giả, kém chất lượng. Nay ban hành quy định xử phạt người đội MBH không đạt chất lượng là cần thiết. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính bằng tiền đối với người đội MBH giả, kém chất lượng chưa nên thực hiện ngay, mà trước mắt cần tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tự giác đội MBH đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, cần sớm có chế tài cho lực lượng CSGT xử lý các trường hợp vi phạm. 

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Quốc Tuấn: 

Cần sự vào cuộc quyết liệt Để phân biệt MBH đạt chuẩn và không đạt chuẩn không khó. Theo quy định, MBH đạt chuẩn phải được dán 2 loại tem. Một là tem nhãn hàng hóa ghi rõ tên đơn vị sản xuất, tính năng, tác dụng và tem CR hợp quy. Bên cạnh đó, các văn bản quy định về sản xuất, kinh doanh MBH đạt chất lượng cũng đã được xây dựng khá đầy đủ. Vấn đề ở đây là một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vì tham rẻ và còn tâm lý đối phó cơ quan chức năng, nên vẫn tìm mua MBH giả, kém chất lượng. Cộng với việc các cơ quan chức năng chưa quyết liệt xử lý các hành vi trên, nên MBH giả, kém chất lượng vẫn tồn tại. Hy vọng, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, kết hợp với các chế tài xử lý phù hợp sẽ góp phần hạn chế được tình trạng sản xuất, buôn bán và sử dụng MBH kém chất lượng như hiện nay. 

Ông Lê Tuấn Anh, đại diện Công ty TNHH Long Huei (Nhãn hiệu MBH Andes): 

xCam kết giữ giá ổn định Theo tôi, các cơ quan chức năng cần kéo dài thời gian tuyên truyền cho người dân, để tạo điều kiện cho các đơn vị cung ứng MBH đạt chuẩn có thời gian sản xuất kịp các loại mũ đảm bảo chất lượng tung ra thị trường. Điều này có thể gây mất ổn định thị trường MBH. Thứ hai, việc tăng thêm thời gian tuyên truyền giúp người dân có điều kiện tìm hiểu và mua những loại mũ đạt chất lượng. Công ty chúng tôi cam kết giữ giá ổn định, thậm chí còm giảm 10% cho các sản phẩm bán tại các hệ thống trưng bày, cửa hàng của công ty.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN