Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới qua một năm triển khai thực hiện

(NTO) Qua hơn một năm triển khai, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới bước đầu góp phần thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa của phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn hiện nay.

Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và truyền hình mở chuyên mục “Xây dựng nông thôn mới” giới thiệu các văn bản của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, tuyên truyền tình hình phong trào thi đua, các điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới trên toàn tỉnh, góp phần động viên toàn dân tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Nông dân xã Phước Nam (huyện Thuận Nam) áp dụng hiệu quả mô hình "1 phải, 5 giảm"
canh tác lúa vụ mùa năm 2012 đạt năng suất 60 tạ/ha. Ảnh: Sơn Ngọc

Ban Chỉ đạo Xây dựng Nông thôn mới tỉnh đã cung cấp cho các cấp 1.500 cuốn Sổ tay hỏi đáp xây dựng nông thôn mới, 615 poster tuyên truyền về chương trình và cung cấp thuờng xuyên Báo Nông nghiệp cho 47 xã, phục vụ cho tuyên truyền tại cơ sở; Triển khai xây dựng 05 cụm pa-nô tuyên truyền tại 05 xã: Phước Vinh, Phước Nam, Thành Hải, Tri Hải và Công Hải. Uỷ ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Thanh niên đã thực hiện trên 17 lượt tuyên truyển, vận động cho khoảng 1.450 hội viên, đoàn viên và nhân dân. Thông qua các cuộc vận động, tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từng bước đã có sự chuyển biến tích cực về chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay, nhất là vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng dân cư trong việc thực hiện chương trình không ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các bước triển khai xây dựng nông thôn mới cơ bản thực hiện đúng kế hoạch. Việc lập đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới mặc dù có nhiều vướng mắc do văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thiếu cụ thể nhưng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, đến nay toàn tỉnh có 13/47 xã được phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể về xây dựng nông thôn mới (huyện Thuận Bắc: 06/06 xã, huyện Ninh Hải: 03/08 xã, huyện Thuận Nam: 01/08 xã, huyện Ninh Sơn: 03/07 xã). Trong số 13 xã được phê duyệt quy hoạch có 05/11 xã điểm của tỉnh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Dự kiến đến tháng 12/2012, các huyện hoàn thành quy hoạch tổng thế cho 34 xã còn lại. Qua hơn một năm triển khai thực hiện, có một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới khó thực hiện đánh giá đối với cấp xã như thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động nông thôn hoặc không phù hợp thực tế vùng miền núi như chợ nông thôn, nhà ở dân cư,… Kết quả khảo sát, điều tra tự đánh giá của các xã về thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh năm 2012 như sau: Có 02/47 xã (Nhơn Sơn và Bắc Phong) đạt 08 tiêu chí, 01/47 xã (Phước Hữu) đạt 07 tiêu chí, 10/47 xã đạt 06 tiêu chí, có 05/47 xã đạt 05 tiêu chí, có 15/47 xã đạt 04 tiêu chí, 12/47 xã đạt 03 tiêu chí và có 02 xã (Phước Nam thuộc huyện Thuận Nam và Phước Thành thuộc huyện Bác Ái) mới đạt 02/19 tiêu chí. Trong hoàn cảnh huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta là hết sức khó khăn, nhất là từ nội bộ nông dân thì việc phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Hệ thống cấp nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư nâng cao đời sống nhân dân góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: Sơn Ngọc

Từ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình cho hiệu quả tốt như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” ở xã Phước Hậu, giúp tăng năng suất lúa đạt 90 tạ/ha, thu nhập tăng thêm trên 01 ha lúa gần 15 triệu đồng. Chương trình “cùng nông dân ra đồng” thực hiện ở xã Phước Thái giúp bà con nông dân giảm chi phí đầu tư khoảng 2,8 triệu đồng/ha (giống giảm từ 300 kg/ha xuống còn 120- 180 kg/ha, số lần phun thuốc từ 2 lần/vụ còn 1 lần/vụ). Liên minh sản xuất táo Văn Hải nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật, tiếp cận thị trường và liên kết liên doanh với doanh nghiệp đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm (táo loại I tăng từ 10% lên 20-25%), nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mô hình xã hội hóa đầu tư chợ thôn Hoài Chất ở 2 thôn Hoài Trung, Chất Thường thuộc xã Phước Hậu do nhân dân đầu tư với  kinh phí 445 triệu đồng. Mô hình thu gom rác thải sinh hoạt ở thôn Hiệp Kết, Suối Kết được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia đã góp phần làm sạch đường trong thôn xóm, giảm ô nhiễm môi truờng khu dân cư. Vận động hàng chục hộ dân hiến đất làm mương thuỷ lợi nội đồng, làm đường giao thông ở xã Công Hải. Mô hình xây dựng thương hiệu lúa giống giai đoạn 2011 - 2015 cho thu nhập cao của HTXDVNN Hữu Đức….Những mô hình trên cho thấy tác động tích cực của phong trào thi đua trong phát triển nông nghiệp, nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh ở tỉnh ta trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.