Phước Hà: Hưởng lợi từ Chương trình xây dựng Nông thôn mới

(NTO) Phước Hà là xã vùng cao khó khăn nhất huyện Thuận Nam. Toàn xã có 620 hộ, với trên 3.100 nhân khẩu, trong đó đồng bào Raglai chiếm gần 95% dân số. Đời sống của các hộ dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng trọt.

Do kinh tế phát triển chậm, nên tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương còn chiếm đến 43%, cao hơn nhiều lần so với các xã khác trên địa bàn huyện. Để nâng cao đời sống của người dân, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.

Nhờ Chương trinh xây dựng nông thôn mới, hộ bà Tạ Yên Thị Mẫu ở thôn Trà Nô có nước sạch sinh hoạt.

Qua gần 2 năm, từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM, có khá nhiều công trình, dự án được triển khai tại địa phương. Đơn cử như công trình nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt thôn Trà Nô; bê-tông đường nội thôn Là A, Tân Hà, Trà Nô; sửa chữa cầu treo sông Giá; kiên cố hóa kênh mương nội đồng…, với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Về Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao mức sống người dân đã triển khai mô hình chăn nuôi cừu sinh sản, chăn nuôi bò thịt, quy mô đàn từ 30 chục con trở lên…

Điều đáng nói, tuy quy mô các công trình, dự án không lớn, nhưng hiệu quả mạng lại rất cao. Về thôn Trà Nô, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng. Trước đây, các tuyến đường nội thôn chỉ là những lối mòn, vào mùa mưa sình lầy, nhưng hiện nay tất cả đã được bê-tông hóa thông thoáng, sạch đẹp. Bà con tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, nên 5 tuyến đường nội thôn mới làm vừa rộng, vừa thẳng, thuận tiện cho xe cơ giới qua lại. Đáng kể nhất là công trình nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2011, với nguồn kinh phí 1 tỷ đồng. Kể từ khi tuyến đường ống dẫn nước được nâng cấp, nối dài, nước sạch vào từng hộ gia đình. Anh Tạ Yên Sản, Trưởng Ban quản lý thôn cho biết: Hơn một năm nay, có nước sinh hoạt vào tận nhà, cuộc sống của bà con văn minh hơn. Nhiều hộ xây nhà tắm, lắp vòi hoa sen không thua kém gì dưới đồng bằng”. Ở các thôn Rồ Ôn, Giá, Tân Hà, Là A bà con cũng đã được hưởng lợi từ các chương trình, dự án.

 Xã Phước Hà được đầu tư hệ thống giao thông khang trang góp phần xây dựng nông thôn mới
Ảnh: Sơn Ngọc

Điều đáng mừng, từ chỗ được hưởng lợi của Chương trình xây dựng NTM, ý thức của người dân được nâng cao. Bà con tin tưởng vào chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, đồng tâm, hợp lực hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động. Tiêu biểu như ở thôn Giá, nằm ngay trung tâm xã, được đánh giá là thôn đi đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đồng chí Kiều Thanh Nhõa, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Nhờ sự đồng tình, nhất trí cao của bà con nên đầu tháng 11 vừa rồi, địa phương triển khai đổ bê-tông ở các tuyến đường nhánh trong thôn có chiều dài 2 km, bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước 80%, dân đóng góp 20%). Ngày khởi công, cả thôn tạm ngưng công việc nương rẫy, tập trung máy cày chở đất, đá, san lấp mặt bằng, nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất làm đường.

Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở địa phương đạt trên 90%, tỷ lệ đường bê-tông nông thôn đạt 70%. Đồng chí Kiều Thanh Nhõa nhìn nhận: Có được kết quả trên, một phần nhờ vào Chương trình xây dựng NTM. Tuy vậy, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nâng cao mức sống cho người dân, hướng đến giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 28% vào năm 2015. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành và toàn thể nhân dân quyết tâm đạt được các chỉ tiêu đề ra. Cách làm của địa phương là tranh thủ, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án để phát triển đồng đều cả trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó chú trọng cải tạo, nâng cao chất lượng đàn gia súc. Tổng đàn gia súc hiện nay của địa phương khoảng 3.000 con. Trước đây bà con chăn thả tự do dưới tán rừng, hình thức chăn nuôi này tiết kiệm được thời gian, nhưng khó kiểm soát dịch bệnh, chất lượng thấp. Hai năm trở lại đây, khi được hỗ trợ thực hiện các mô hình từ Chương trình xây dựng NTM, nhiều hộ chuyển qua chăn nuôi theo hình thức bán thâm canh. Đây là nét chuyển biến mới trong chăn nuôi ở vùng cao xã Phước Hà, hứa hẹn mang lại hiệu quả cao.