HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ: Liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao

(NTO) Trong khi nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp (HTX) trên địa bàn tỉnh đang hoạt động rất cầm chừng do năng lực quản lý hạn chế, thiếu vốn, thì HTX Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước) đã liên minh với doanh nghiệp làm tốt các khâu dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Thành Anh, Chủ nhiệm HTX, cho biết: HTX thành lập năm 1998, hiện có 262 hộ xã viên. Sau khi chuyển đổi hoạt động, HTX mở rộng thêm ngành nghề, dịch vụ tổng hợp, như: Thủy lợi nội đồng, làm đất, thu hoạch, phân bón, tiêu thụ nông sản... Đặc biệt, với vai trò là đầu mối chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ vụ lúa đông - xuân 2010 – 2011, HTX phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai thực hiện thành công mô hình thí điểm “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, năng suất đạt 10 tấn/ha, tăng 3 tấn so với sản xuất truyền thống. Từ 1 ha trình diễn ban đầu, đến nay mô hình được nhân rộng trên diện tích gần 90 ha.

 

Cánh đồng mẫu lớn của xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ
mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa, thu lãi từ 60 đến 70 triệu đồng/ha.

Kể từ khi HTX vận động hộ xã viên “dồn điền” hình thành cánh đồng mẫu lớn, đã kéo được các doanh nghiệp “vào cuộc” liên kết hợp tác làm ăn. Hiện nay, Công ty Phân bón Bình Điền cung cấp cho HTX 45 tấn phân các loại/vụ, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cung cấp thuốc trừ cỏ, trừ sâu… để HTX phân phối cho xã viên. Riêng Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố ngoài cung cấp 6 tấn giống/vụ, còn hợp đồng xã viên sản xuất 10 ha lúa giống và bao tiêu sản phẩm. Điều đáng nói là, mặc dù đến cuối vụ hộ xã viên mới phải trả tiền, nhưng giá các loại vật tư nông nghiệp vẫn thấp hơn ngoài thị trường. Cụ thể, phân đạm Urê thấp hơn ở đại lý 10.000 đồng/bao, lúa giống thấp hơn 500 đồng/kg…

Về HTX Trường Thọ, chúng tôi được các anh trong Ban Quản lý dẫn đi thăm cánh đồng mẫu lớn. Tại xứ đồng này, trước đây bà con sản xuất manh mún, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Do xuống giống thiếu sự thống nhất nên gây khó khăn cho khâu chăm sóc, theo nước... Đó là chưa kể phí thủy lợi, công thu hoạch cũng bị “đội” lên cao. Kể từ khi sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân được nhiều cái lợi, chi phí các khâu dịch vụ giảm. Cụ thể, thủy lợi phí giảm 100.000 đồng/ha, công làm đất giảm 200.000 đồng/ha, công thu hoạch giảm 200.000 đồng/ha. Đặc biệt, vụ hè - thu này HTX đưa vào sử dụng 12 máy sạ hàng, mỗi ha giảm được 100 kg lúa giống. Chi phí đầu tư giảm, trong khi năng suất vượt trội (vụ đông- xuân vừa qua bình quân đạt 8 tấn/ha), tính ra, trên 1 ha đất mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa, hộ xã viên thu lãi từ 60 đến 70 triệu đồng. Xã viên Phan Thành Điệp, cho biết: “Cùng một đơn vị diện tích nếu sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn của HTX đề xướng cho lãi cao gấp rưỡi so với sản xuất đơn lẻ”.

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm dẫn đến thành công, anh Nguyễn Thành Anh, cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đổi mới công tác quản lý, HTX chủ động phối hợp với ngành chuyên môn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản cho xã viên. Những khó khăn của HTX đều được đưa ra để xã viên bàn bạc, tìm cách tháo gỡ.

Có thể nói, HTX Trường Thọ đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, cũng như nhiều HTX khác, khó khăn nhất hiện nay của HTX Trường Thọ là thiếu vốn kinh doanh. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu, cho rằng: “Để tạo điều kiện cho HTX hoạt động, nhà nước cần có chính sách ưu đãi, tạo cơ chế thông thoáng trong vay vốn cho loại hình kinh tế này.”.