Xây dựng thương hiệu táo Ninh Thuận

(NTO) Với đặc tính chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, công đầu tư chăm sóc ít, cây táo đã và đang là sự lựa chọn của nông dân trong tỉnh.

Chỉ tính riêng năm 2011, tỉnh ta đã cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 16.000 tấn táo xanh. Với sự nổi trội về số lượng cung ứng và chất lượng sản phẩm, táo xanh Ninh Thuận đang ngày càng chiếm ưu thế và được người tiêu dùng ưa chuộng hơn so với táo các vùng khác. Tuy nhiên, để tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhất thiết cần xây dựng thương hiệu cho táo xanh Ninh Thuận.

Làm giàu từ táo

Hơn mười năm trước, người dân trong tỉnh đã từng “kiêu hãnh” về đặc sản nho nức tiếng thơm ngon mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nắng. Không chỉ mang lại đời sống khá giả cho nhiều hộ dân, những vườn nho bạt ngàn còn quyến rũ níu chân du khách mỗi lần ghé thăm Ninh Thuận.

 
Nông dân xã Phước Sơn (Ninh Phước) phân loại táo trước khi đưa đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan như giống, sâu bệnh… diện tích cây nho hiện nay đang giảm dần. Để mở hướng làm ăn mới, nông dân ở nhiều vùng trong tỉnh đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng thay thế cho diện tích nho không đạt hiệu quả, trong đó cây táo xem ra phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, thời gian đầu, loại táo bà con trồng là giống táo địa phương, trái nhỏ, không cho năng suất, chất lượng cao. Đến khoảng năm 2003, một số hộ đến các tỉnh lân cận tìm hiểu và đem giống táo Thái Lan về trồng thử nghiệm tại địa phương. Đây là loại cây trồng chịu hạn tốt, phù hợp với những vùng đất khô cằn, nắng nhiều, lại ít sâu bệnh, đặc biệt sinh trưởng rất nhanh và thời gian khai thác khá dài, nên nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư nhân rộng diện tích. Tính đến thời điểm đầu năm 2012, diện tích trồng táo của cả tỉnh đã lên đến gần 800 ha, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Tp.Phan Rang- Tháp Chàm.

Ông Dương Văn Ấm, một trong những người tiên phong trong phong trào trồng táo ở xã Phước Sơn (Ninh Phước) cho biết: Cây táo đến độ trưởng thành có tuổi thọ khai thác trên 10 năm. Trong điều kiện ổn định, mỗi ha táo cho năng suất trung bình 40 tấn/năm, với giá trung bình khoảng 6.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí sản xuất, mỗi năm bà con thu lãi hàng trăm triệu đồng. Cá biệt ở những nơi đất tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật, thời thiết thuận lợi, năng suất có thể lên đến 100 tấn/ha, lợi nhuận còn cao hơn rất nhiều”. Với thâm niên gần 10 năm trồng táo, ông Dương Văn Ấm đã thu lợi nhuận nhiều tỷ đồng từ 3 ha táo của gia đình. Không chỉ có ông Ấm, nhiều hộ nông dân từ khó khăn, nhờ cây táo đã trở nên khá giả. Do mang lại lợi nhuận khá cao, nên hiện nay cây táo cũng đã phát triển rầm rộ ở một số tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước… Tuy nhiên, theo các thương lái thì táo xanh Ninh Thuận lại được ưu chuộng và có giá cao hơn so với trái táo các vùng khác, đơn giản vì táo trồng ở tỉnh ta vừa đẹp, bóng, lại có vị ngọt thanh, giòn, thơm.

 
Ông Dương Văn Ấm, xã Phước Sơn (Ninh Phước) chăm sóc vườn táo gia đình.

Tìm thương hiệu cho táo Ninh Thuận

Táo Ninh Thuận “nhiều, ngon, đẹp”, tuy nhiên, có một nghịch lý đó là nông dân trồng táo lại rất lúng túng trong việc tìm đầu ra ổn định. Ông Nguyễn Phế, Chủ nhiệm HTX sản xuất táo Mỹ Khánh (Ninh Hải) bức xúc: “Bà con nông dân chúng tôi trồng táo, nỗ lực để cho ra những quả táo ngon, đẹp, thế nhưng đến mùa thu hoạch lại nơp nớp không yên vì không biết liệu táo có bán được giá? Giá táo cao hay thấp đều do tư thương “quyết”. Đã không ít lần táo được mùa nhưng giá thấp, có thời điểm rớt xuống chỉ còn 4.000 đồng/kg. Thiếu chủ động trong khâu tiêu thụ ảnh hưởng đến tâm lý của bà con trồng táo.” Lý giải cho vấn đề này, đơn giản là vì táo Ninh Thuận chưa xây dựng cho mình một thương hiệu!

Ông Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Xây dựng và quảng bá “Thương hiệu” cho sản phẩm táo Ninh Thuận là việc làm cần thiết nhằm khẳng định chất lượng của táo Ninh Thuận, tạo điều kiện để sản phẩm ngày càng đi vào tâm thức của người tiêu dùng, nâng cao giá trị thương phẩm tương xứng. Xuất phát từ thực tiễn, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và Công ty Sở hữu trí tuệ Thảo Thọ Quyến (INVENCO) đang tiến hành triển khai đề án “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận”. Dự án thành công sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng cho toàn vùng sản phẩm tại địa phương hoặc cho các sản phẩm tương tự, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất, trồng táo thông qua việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm Táo Ninh Thuận.

Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, người trồng táo ngày càng có ý thức hơn trong quy trình chăm sóc cho ra sản phẩm táo sạch, cao hơn nữa là những trái táo đạt tiêu chuẩn Việt Gap có chất lượng, giá trị kinh tế cao. Và phương án tối ưu nhất để thực hiện mục tiêu này là thành lập các tổ liên minh, HTX sản xuất táo sạch. Thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập được một số liên minh, HTX sản xuất táo như: Liên minh hợp tác sản xuất táo Văn Hải (PR-TC), Liên minh sản xuất táo Phước Sơn (Ninh Phước) và mới đây là HTX Mỹ Khánh (Ninh Hải), với tổng diện tích gần 100 ha. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại HTX Mỹ Khánh là đang còn hoạt động. Ông Cao Cường, nguyên Chủ nhiệm Liên minh hợp tác sản xuất táo Văn Hải cho biết: “Tháng 6-2010, với sự giúp đỡ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp, Liên minh hợp tác sản xuất táo Văn Hải chính thức đi vào hoạt động, trên cơ sở hợp tác tự nguyện giữa Tổ hợp tác sản xuất táo Văn Hải và DNTN thu mua táo xanh Lan, gồm 90 thành viên tham gia với tổng diện tích trồng táo 30 ha. Dự án đã hỗ trợ cho mỗi thành viên trồng táo 40% chi phí đầu tư phân thuốc, công lao động…, tổ chức tập huấn quy trình sản xuất táo sạch cho bà con, đồng thời hỗ trợ 380 triệu đồng cho DNTN thu mua táo xanh Lan đầu tư đăng lý nhãn hiệu doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm, mua thiết bị xử lý, bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn hỗ trợ (2 năm), Liên minh hợp tác cũng tự động tan rã”. Điều này cho thấy, ý thức của người dân là một chuyện, nhưng để biến ý thức thành hành động lại là một chuyện khác. Nếu không thay đổi phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ “tự ai nấy làm” của bà con nông dân thì việc cho ra sản phẩm táo có chất lượng đồng bộ, tăng tính cạnh tranh khó lòng thực hiện được.

Công nghệ bảo quản, vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ cũng là vấn đề cần đặt ra. Trái táo sau khi thu hoạch, được các tư thương thu mua, phân loại, đóng gói vào những túi ni-lông lớn, rồi chất lên xe đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh mà không hề được qua xử lý, vệ sinh, dán nhãn mác xuất xứ… Với cách làm này, đã làm giảm “giá trị” trái táo Ninh Thuận.

Bài toán xây dựng thương hiệu cho táo Ninh Thuận chỉ có thể tìm ra được lời giải khi giải quyết tốt 3 vấn đề mấu chốt: chất lượng, quảng bá và đầu ra sản phẩm, và phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề này là cần có sự liên kết giữa “4 nhà”. Ngoài sự nỗ lực của những người trồng táo, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần làm tốt vai trò hậu thuẫn tạo điều kiện cho bà con về vốn, đưa công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm; tìm các giải pháp để nghề trồng táo phát triển theo hướng bền vững như đưa các giống táo mới có năng suất cao thay thế cho các giống táo cũ đã thoái hóa, quy hoạch lại vùng trồng táo ở các địa phương có điều kiện phù hợp. Cần xây dựng mạng lưới tiêu thụ rộng khắp, tích cực thu hút, khuyến khích nhà doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ táo như: táo sấy, nước giải khát, mứt táo… góp phần tạo đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, thiết lập website, chỉ dẫn địa lý cây táo nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần xây dựng và chắp cánh thương hiệu cho táo Ninh Thuận bay xa.