Để vượt khó trước "3 tăng"!

(NTO) Vụ hè-thu đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Theo nhiều “lão nông tri điền” cho hay, vụ hè-thu này năng suất khá cao và đạt nhất nếu so vài ba năm trở lại đây.

Chủ lực vẫn là các giống lúa hạt tròn, năng suất bình quân đạt không dưới 65 tạ/ha, trong đó có nhiều nơi nông dân thu hoạch đạt đến 80 tạ/ha. Tuy nhiên, được mùa nhưng bà con chưa mấy phấn khởi bởi lẽ giá lúa tiếp tục có chiều hướng “giẫm chân tại chỗ”. Lúa hạt tròn nói chung dao động từ 5.000 đồng đến 5.200 đồng/kg, lúa hạt dài cao hơn từ 2 đến 3 giá nhưng cũng không quá 5.500 đồng/kg (bằng với giá lúa năm 2011). Không chỉ có lúa là giá “ổn định kéo dài” như đã nêu trên mà nhiều cây trồng khác như táo, nho…giá cả cũng “bấp bênh” nhất là thời điểm thu hoạch rộ.

 
 
Mùa thu hoạch lúa hè thu của nông dân xã Tân Hải (Ninh Hải) đạt năng suất trên 65 tạ/ha. 
Ảnh: Sơn Ngọc

Nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra của nông dân trong tỉnh chưa có căn cơ, chưa thực sự phát huy được hiệu quả của mối liên kết “4 nhà”…mà đều do những “đầu nậu” chi phối và làm giá. Một số sản phẩm như táo xanh chỉ qua khâu lưu thông đã đẩy giá lên ít nhất là gấp đôi so với giá mua tại vườn của người trồng!

Giá nông sản “đầu ra” giảm nhưng điều nghịch lý là “đầu vào” của sản phẩm lại tăng đáng kể, không phải một mà lại đến “3 tăng”: đó là tăng giá điện, tăng giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu và tăng giá xăng dầu liên tục. Chỉ với “3 tăng” nói trên đã làm cho nhiều nông hộ phải gánh thêm chi phí, tạo khoảng cách giữa “đầu vào” với “đầu ra” thêm xa. Đó là chưa nói đến những khoản lo “gián tiếp” như chi tiêu cho giáo dục, y tế…tăng làm cho bà con khó có cơ hội tích lũy vốn để tái đầu tư cho sản phẩm dù phải “thắt lưng, buột bụng”!

Giúp nông dân trong tỉnh vượt qua khó khăn này ra sao? Có thể nói, cùng với giải pháp bảo đảm an sinh xã hội mà tỉnh đã và đang chỉ đạo thực hiện, vấn đề đặt ra là chính quyền và các đoàn thể địa phương cần quan tâm giúp bà con (ở từng trường hợp cụ thể) được vay vốn ưu đãi để đầu tư tiếp tục sản xuất, đồng thời với việc khoanh, giãn nợ đối với hộ khó khăn. Mặt khác, giúp nông dân ổn định “đầu ra” cho sản phẩm thông qua hợp đồng sản xuất với các doanh nghiệp, khoanh vùng xây dựng những “”cánh đồng mẫu lớn” bằng mối liên kết “4 nhà”… Đây là yêu cầu không mới nhưng nếu chậm thực hiện thì khó giúp nông dân “tự chủ” trên chính sản phẩm làm ra.