Người trồng rong sụn - Niềm vui chưa trọn

(NTO) Theo đoàn kiểm tra Dự án trồng rong sụn ở Phước Dinh (Thuận Nam) do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào một ngày cuối tháng 8, chúng tôi cảm nhận không khí rộn rịp của bà con nông dân thôn Sơn Hải 1 đang thu hoạch rong sụn. Những chiếc thuyền thúng đầy ắp rong tươi được kéo vào bờ, những thảm rong được phơi dày trên bờ biển.

Anh Ngô Xuân Tịnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Dinh cho biết: Năm nay, nông dân trong xã xuống giống gần 100ha rong sụn, trong đó có 35 ha từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương cho 25 hộ nông dân xã Phước Dinh vay.

 
Nghề trồng rong sụn của nông dân xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam.
Ảnh: Sơn Ngọc

Từ khi xuống giống tháng 3 âm lịch đến nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất rong sụn thu hoạch năm nay đạt khá , 30 – 35 tấn rong tươi/ha. Chúng tôi hỏi thăm cách thức trồng và thu hoạch, anh Đoàn Văn Dành, người trồng rong sụn ở thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh cho biết: Từ khi cây rong sụn du nhập đến nơi đây, bà con xem như là cây xóa đói giảm nghèo, vì Phước Dinh là vùng bãi ngang nên không thuân lợi cho việc khai thác hải sản. Mấy năm trước, bà con có trúng mùa nhưng có người thu mua hết sản phẩm, năm nay thì ngược lại, có trúng mùa rong nhưng không có người mua, bà con đành phơi khô để dành chờ giá. Mỗi ha rong trồng, bà con đầu tư từ 40 triệu đến 50 triệu đồng gồm: giống thả, vật tư kỹ thuật, công chăm sóc…chưa kể vay mượn vốn để thả nuôi.Với giá hiện nay 2.000 đồng/ kg rong tươi, nếu bán thì không có dư để chi phí cho đầu tư lần sau, nhưng cũng không dễ bán .

Không bán được rong cũng có nghĩa là khó khăn cho đầu tư thả nuôi các mùa vụ sau. Được mùa, mất giá làm người nông dân chưa trọn niềm vui.