Phương Hải chuyển dịch từ nuôi tôm sang làm muối

(NTO) Là một xã ven đầm Nại, Phương Hải (Ninh Hải) có lợi thế về nuôi trồng thuỷ sản với diện tích mặt nước hiện có 143 ha, trong đó có 105 ha ao đìa nuôi tôm thịt. Tuy nhiên do những năm gần đây dịch bệnh trên tôm thường xuất hiện, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi nên Phương Hải đã tìm hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài việc đa dạng đối tượng nuôi, Phương Hải còn quy hoạch chuyển dần các ao, đìa nuôi tôm sang làm muối, bước đầu cho thấy đạt hiệu quả kinh tế rất khả quan.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn xã Phương Hải hiện có 63,5 ha diện tích đồng muối, với 98 hộ diêm dân canh tác. Nhờ thời tiết thuận lợi, từ đầu năm đến nay diêm dân thu hoạch đạt tổng sản lượng 9.700 tấn muối, riêng tháng 7 đạt 1.800 tấn muối.

Ruộng muối chuyển đổi từ ao đìa ở Phương Hải đang phát huy hiệu quả, cho thu nhập bình quân hàng năm 150-180 triệu đồng/ha.

Anh Hồ Ngọc Xông, cán bộ Kinh tế-Kế hoạch của xã, đồng thời cũng là diêm dân đang canh tác 6 sào muối cho biết: “Với mức giá thu mua hiện nay từ 980 ngàn đến 1 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, trung bình diêm dân lãi khoảng 150 triệu đồng/ ha. Ngay ruộng muối của tôi chỉ bấy nhiêu diện tích, thu hoạch đạt 215 tấn cũng đã lãi được 120 triệu đồng”. Cũng theo anh, giá muối đã tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đó là giá ở Phương Hải, còn muối sản xuất ở vùng Khánh Tường (Tri Hải) có giá cao hơn, khoảng 1 đến 1,15 triệu đồng/tấn, do chất lượng muối tốt hơn. Muối Phương Hải là loại muối sản xuất trên nền đất nên không trắng như muối các vùng lân cận, việc lấy nước vào ruộng chủ yếu nhờ các giếng khoan có độ mặn cao chứ không phải từ nước đầm Nại. Tính đến nay, trong tổng diện tích muối vừa nói của Phương Hải đã có 60 giếng nước mặn phục vụ cho sản xuất muối. Hằng năm, cứ kết thúc mùa mưa, diêm dân cải tạo, đánh mương rãnh, đầm ao, chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha, rồi cứ thế lấy nước phơi nắng làm ra muối.

Tuy nhiên để có được ruộng muối thuần như trên, việc đầu tư ban đầu không phải ít, nhất là khi phải chuyển từ ao đìa nuôi tôm sang làm ruộng muối. Anh Đinh Thanh Tấn, ở thôn Phương Cựu 2, đang thuê 3 ha đất làm muối giải thích: “Muốn san lấp, cải tạo từ đìa nuôi tôm sang làm ruộng muối phải đầu tư kinh phí từ 120-150 triệu đồng/ha, chưa kể chi phí sử dụng máy bơm lấy nguồn nước mặn từ giếng khoan phục vụ cho sản xuất muối”. Từ năm 2008, do tình trạng nuôi tôm thua lỗ kéo dài, nhiều diện tích đìa bỏ hoang không sản xuất nên Phương Hải đã chủ trương chuyển 160 ha diện tích đìa tôm sang làm ruộng muối (thực ra trước đây Phương Hải có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lên tới 208 ha). Nhưng vì chi phí cao so với điều kiện khó khăn của người dân nên việc chuyển đổi sang diện tích làm muối ở Phương Hải còn chậm. Song không phải ao đìa nào cũng có thể chuyển đổi được, theo quy hoạch của xã Phương Hải, nhằm giảm áp lực về ô nhiễm môi trường, chỉ có các ao, đìa tôm thường bị nhiễm bệnh mà nằm trong vùng quy hoạch muối mới được chuyển sang làm muối. Còn các ao đìa gần vùng trồng lúa sẽ không được chuyển, mục đích là để bảo vệ đất lúa không bị nhiễm mặn.

Một khó khăn là các chủ đìa tôm trong vùng quy hoạch phát triển ruộng muối hầu hết đều đang nợ ngân hàng, lại là nợ xấu nên khó vay được vốn. Trong khi đó chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chỉ cho vay hộ nào có sổ muối (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất muối) với mức vay 20 triệu đồng/sào. Như vậy muốn vay vốn, các hộ nuôi tôm phải trả nợ gốc cho Ngân hàng rồi lấy sổ đìa chuyển sang sổ muối. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế kéo dài nên nhiều ao đìa bỏ không rất lãng phí. Để tháo gỡ cho các hộ dân nghèo, theo anh Hồ Ngọc Xông, sắp tới xã Phương Hải đề xuất với huyện chuyển số ao đìa nằm trong quy hoạch sang ruộng muối, cho nợ trước tiền chuyển đổi sổ, tạo điều kiện cho bà con vay ngân hàng, có vốn xoay xở. Bởi chi phí đầu tư ban đầu để chuyển ao đìa thành ruộng muối dù cao, nhưng sau này sẽ không phải đầu tư gì thêm nữa, vả lại làm muối không gặp rủi ro như nuôi tôm.

Hiện nay, nếu so sánh giữa nghề nuôi tôm với nghề muối ở Phương Hải, rõ ràng nghề muối đang lấn lướt về ưu thế, an toàn và bền vững hơn. Chuyển dịch từ ao, đìa nuôi tôm sang ruộng làm muối rõ ràng là hướng đi phù hợp thực tiễn sản xuất ở địa phương. Nhưng do những vướng mắc trên, việc chuyển dịch không thể làm một lúc được. Vì vậy trong kế hoạch từ nay đến cuối năm, Phương Hải chỉ phấn đấu chuyển đổi 15 ha ao đìa trong vùng quy hoạch sang ruộng muối. Giúp người nuôi tôm trở thành diêm dân, Phương Hải đang đột phá khai thác tiềm năng, lợi thế của tài nguyên đất ven đầm Nại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.