Hà Nội: Quyết định 6 quy hoạch ngành, 2 chương trình mục tiêu lớn

Kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ (2011-2016) sẽ xem xét nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012 của Thủ đô, quyết định 6 quy hoạch ngành, 2 chương trình mục tiêu lớn.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Sáng 10/7, Kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ (2011-2016) đã khai mạc. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tham dự và phát biểu khai mạc kỳ họp.

Kỳ họp này, HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét, quyết định những nội dung: Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012 của TP; quyết định 6 quy hoạch ngành, lĩnh vực bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch giao thông vận tải, Quy hoạch thoát nước đô thị, Quy hoạch thủy lợi, Quy hoạch du lịch, Quy hoạch văn hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Hai chương trình mục tiêu lớn là: Giảm thiểu ùn tắc giao thông và Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2012 – 2015.

Kinh tế - xã hội thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2012, kinh tế - xã hội thủ đô tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Hà Nội đã năng động, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm rất cao, thực hiện có hiệu các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nổi bật nhất là thành phố đã tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; triển khai kịp thời Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đồng thời thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu HĐND, lãnh đạo và nhân dân Thủ đô cần quan tâm thêm một số vấn đề thiết yếu như tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chính quyền thành phố cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường thế giới và trong nước, đồng thời có ứng phó kịp thời, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với tình hình thực tế của thủ đô. Tiếp tục hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực…

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5 HĐND TP.Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ (2011-2016). (Ảnh: Chinhphu.vn)

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, 6 tháng đầu năm kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì mức tăng trưởng nhưng thấp hơn dự báo và mức tăng cùng kỳ các năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý II ước tăng 7,9%, tính chung 6 tháng đầu năm ước tăng 7,6% (cùng kỳ năm 2011 và năm 2010 lần lượt là 9,3% và 10,1%).

Về thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, thành phố tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ, thận trọng. Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng 6 tháng đầu năm ước đạt trên 830 nghìn tỷ, tăng 7,53% so với cùng kỳ; tổng dư nợ cho vay 6 tháng ước đạt trên 598 nghìn tỷ, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Công tác kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường tiếp tục được thành phố duy trì thường xuyên, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng chậm lại, tháng 3/2012 tăng 0,19%, tháng 4 giảm 0,03%, tháng 5 tăng 0,16%. Trung bình 5 tháng đầu năm 2012 tăng 12,42% so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2012, sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng cao, sức mua giảm, hàng tồn kho nhiều. Cùng với đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị, dự án đầu tư công trên địa bàn Hà Nội phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ do thị trường bất động sản trầm lắng và ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt.

Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, Hà Nội quyết tâm không hạ chỉ tiêu kế hoạch của 6 tháng cuối năm bằng cách sẽ phân tích thấu đáo, tìm ra nguyên nhân để có biện pháp giải quyết hiệu quả, từng bước khắc phục những vấn đề đang nổi cộm, những khó khăn đang vướng mắc. Kết quả của kỳ họp HĐND TP sẽ là tiền đề để UBND TP tập trung chỉ đạo, điều hành, đồng thời các cấp, các ngành của Hà Nội sẽ có điều kiện thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách.

Nguồn www.chinhphu.vn