Một số kinh nghiệm qua một năm triển khai Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị

Thường xuyên chỉ đạo công tác tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt quan tâm đến các loại hình nghệ thuật đặc trưng, truyền thống cách mạng, văn hóa của địa phương, vùng, miền...

Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã triển khai được một năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức sơ kết, đánh giá những kết quả bước đầu, xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị của cấp ủy các cấp, đã có một số kinh nghiệm được rút ra:

Một là, cần làm chuyển biến một cách căn bản về nhận thức khi chuyển từ “cuộc vận động” thành “việc làm thường xuyên, quan trọng”, hiểu đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa chính trị, ý nghĩa văn hóa của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực tế trong thời gian đầu khi Chỉ thị mới ban hành, một số cấp ủy, đảng viên, cán bộ còn lúng túng trong chỉ đạo, tổ chức các hoạt động cụ thể, chưa nhận thấy tác động tích cực, to lớn, lâu dài của nội dung này đối với việc xây dựng nền tảng đời sống tinh thần của xã hội, với công tác xây dựng Đảng. Thậm chí có suy nghĩ cho rằng chúng ta đã làm nhẹ đi công việc quan trọng này, không thấy rằng yêu cầu tự giác của mỗi người mà trước hết là với cán bộ chủ trì cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với công việc này có vai trò quyết định sự thành công, tính hiệu quả của nó, đồng thời đó còn là công việc lâu dài, cần có sự kiên trì và ý chí cách mạng.

Triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, ngay từ đầu năm 2012, Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp chủ trì họp báo hàng tuần để chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, trong đó có nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tỉnh ủy Bạc Liêu quy định vào thứ sáu hàng tuần, tất cả cán bộ, đảng viên, công chức đều phải tham gia học tập, sinh hoạt đạo đức Hồ Chí Minh; hình thức sinh hoạt này có cả xem phim về Bác Hồ, nghe giới thiệu chuyên đề về tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.

Hai là, phải chú trọng đề cao tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện mà trước hết là sự gương mẫu, tự giác làm và tổ chức cho cơ quan, đơn vị làm của người chủ trì, đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, ngành, đoàn thể, địa phương…Chỉ thị mới triển khai một năm, nhưng đã có không ít cách làm sáng tạo, hiệu quả và đang được cấp ủy chỉ đạo nhân rộng. Ví dụ: việc duy trì chào cờ đầu tuần ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên (năm 2007), nay đã triển khai trong toàn tỉnh; chào cờ kết hợp nhận xét công tác tuần, kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, biểu dương người tốt, việc tốt, uốn nắn sai sót, khuyết điểm… Việc chọn và chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề nổi cộm, bức xúc của tỉnh Hà Nam (Đảng bộ huyện Lý Nhân chọn việc giải phóng mặt bằng; Đảng bộ huyện Bình Lục chon việc nhân dân hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn; Đảng bộ huyện Kim Bảng chọn việc xây dựng làng, thôn văn hóa; Đảng bộ thành phố Phủ Lý xây dựng nếp sống văn minh đô thị…). Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo biên soạn, phát hành sổ tay “Làm theo gương Bác” đến 38.263 đảng viên trong toàn Đảng bộ với mục tiêu mỗi đảng viên là một hạt nhân, là tấm gương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo toàn đảng bộ tỉnh chọn 01 vấn để đề tập trung chỉ đạo thực hiện đó là: Nêu cao trách nhiệm- giữ nghiêm kỷ cương- chấn chỉnh phong cách...

Ba là, việc tổ chức Bộ phận giúp việc, Bộ phận chuyên trách để tham mưu giúp cấp ủy triển khai các hoạt động là rất cần thiết, phù hợp. Tuy nhiên, ở mỗi cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương… cần lựa chọn cán bộ, cơ cấu thành viên thật khoa học, bảo đảm phát huy được phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm của từng người, không làm phình bộ máy hoặc chạy theo số lượng, đồng thời căn cứ vào thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương… để thiết lập cơ chế và điều kiện hoạt động đối với hai bộ phận này.

Bốn là, phải coi trọng công tác kiểm tra, qua đó đôn đốc, nhắc nhở, điều chỉnh kịp thời những hạn chế, phát hiện, động viên những cách làm sáng tạo, hiệu quả, kịp thời tham mưu để cấp ủy chỉ đạo rút kinh nghiệm, tổng kết thành mô hình, điểm tiêu biểu, nhân ra diện rộng. Để làm tốt việc kiểm tra, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công người chủ trì, thời gian hoàn thành từng việc mà kế hoạch đã đề ra.

Năm là, thường xuyên chỉ đạo công tác tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt quan tâm đến các loại hình nghệ thuật đặc trưng, truyền thống cách mạng, văn hóa của địa phương, vùng, miền; quan tâm đến hoạt động sáng tác của anh chị em văn nghệ sĩ, thông qua đó chuyển tải hình ảnh, việc làm tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Đài truyền hình thành phố giới thiệu, tuyên truyền các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt viết về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Từ ngày 19/5/2012, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam thực hiện định kỳ mỗi ngày một chuyên mục bằng hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, thời lượng 5 phút.

Bộ phận giúp việc cho Tỉnh ủy Hải Dương đã tham mưu, in và phát hành 6000 áp phích tuyên truyền, 8.500 cuốn tài liệu hỏi, đáp về Chỉ thị 03, các cơ quan truyền thông, báo chí của tỉnh đều mở chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền.

Tỉnh ủy Đắk lắk đẩy mạnh tuyên truyền bằng tiếng dân tộc đối với đồng bào dân tộc Ê Đê, M Nông, phát hành tháng một số Tờ thông tin Đắk Lắk in song ngữ Việt- Ê Đê…

Những kinh nghiệm nêu trên sẽ giúp cấp ủy các cấp, các đồng chí chủ trì tham khảo, nghiên cứu, vận dụng trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình đối với công tác chỉ đạo, tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo Trung ương