(NTO) Ba chàng thủy thủ và một nồi canh…
Có khoảng gần 200 con người trong suốt cuộc hải trình của tàu HQ936 và chuyện cơm nước trên tàu với tôi là đáng lưu tâm. Bếp ăn quân đội “kỷ luật” với chén cá nhân, đũa cá nhân của nhà lính có lẽ đã không còn là đề tài quá lạ. Nhưng bếp núc trên một con tàu, mà là con tàu đến với Trường Sa mùa biển động lại là cả một gian nan.
Anh Nguyễn Văn Tư trò chuyện cùng phóng viên trên tàu HQ936.
Tổ hậu cần của hải trình có khoảng hơn chục người và hằng ngày lượng lương thực thực phẩm được chế biến là khá nhiều. Chừng đó con người phải làm việc rất vất vả. Nhưng như vậy là chưa đủ. Những ngày sóng to, tàu lắc dữ dội, người bình thường giữ thăng bằng đã khó, với đội bếp (gọi thay cho tổ hậu cần) và công việc của họ thì càng khó hơn. “Nước trong nồi cứ chao đảo, tràn ra cả bên ngoài. Nồi niêu chẳng chịu đứng yên một chỗ. Lắm khi nước sôi bắn cả vào người”,- anh nuôi Phạm Văn Cường, quê ở Hải Phòng, vừa kể vừa đảo nồi rau luộc. Những lúc ấy, phải có ba người mới nấu được một nồi canh, hai người giữ quai để cố định, một người chế biến. Thế đấy, để có được bữa cơm cho bộ đội, đội bếp phải bỏ ra rất nhiều công sức. Cường tâm sự: “Những ngày tàu lắc thế này, những người đi biển quen còn bị say, huống chi tân binh. Có lúc toàn đội chỉ còn ba người là khỏe. Mệt là thế, nhưng lúc nấu xong, cả tàu say nhừ, ăn chẳng được là bao. Khi ấy mình lại động viên bộ đội, thôi ráng mà ăn ít miếng, để còn có thứ mà… nôn”.
Nhiệm vụ đặc biệt này được giao cho đa số là chiến sĩ trẻ, tuổi đời chỉ tầm đôi mươi. Khi tôi chào cả đội về, còn nghe tiếng cười nói í ới của mấy anh thủy thủ trẻ, tay thoăn thoắt nhặt rau, thái thịt. Bên mạn tàu, sóng đập ầm ầm. Lại lắc lư, tàu chao đảo.
“Đợi anh về…”
Những ngày cuối của hải trình, tôi nghe được tin, do chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu, có lẽ thời gian của chuyến công tác sẽ phải kéo dài hơn kế hoạch, ít nhất là 15-1 tức 23 tháng Chạp này, tàu mới cập Cảng Cam Ranh. Thôi thì ngày đoàn tụ vui xuân cùng gia đình của mọi người trên tàu chờ thêm vài hôm vậy. Nhưng với một số người thì tin ấy lại như “sét đánh ngang tai”…
Gương mặt buồn tênh, Trung úy Lê Văn Giang (nhân viên cấp hàng kỹ thuật, Đoàn Trường Sa) cố giữ nụ cười gượng gạo khi tôi đến thăm: “Mình dự định tổ chức đám cưới vào ngày 17-1 (24 tháng Chạp) nhưng với kế hoạch cập bờ thế này thì coi như xong rồi. Vì vào đến Cảng thì còn phải họp công tác, rồi mất một ngày một đêm đi xe về quê (Diễn Châu, Nghệ An – PV) nữa.” Đồng đội anh bảo, hai hôm rồi, Giang cứ nằm một chỗ quay mặt vào vách, chẳng ăn uống gì. Tôi hỏi, vợ chưa cưới của anh có giận hờn gì không. Lúc này mới thấy anh tươi hơn một chút: “Cô ấy mạnh mẽ lắm, lại vui tính nữa. Lâm vào tình huống này nhưng chính cô ấy mới là người động viên mình cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ rồi trở về.” Rồi anh nói thêm, vốn dĩ mọi sự chuẩn bị đều do cô ấy và gia đình hai bên thu xếp, mình thì vì bận bịu công tác ở đây nên chẳng đụng tay vào việc gì. Nói thế thôi chứ tôi biết anh cũng buồn lắm, cưới xin là chuyện hệ trọng cả đời mà. Năm nay đã 33 tuổi còn gì !
Tình huống trớ trêu ấy lại vận luôn vào Thượng úy Nguyễn Văn Tư (Nguyên Đảo phó Đảo Núi Le – Huyện đảo Trường Sa). Bên mạn tàu sóng vỗ oàm oạp, anh Tư tâm sự, thực hiện nhiệm vụ trên đảo 18 tháng ròng, lần này vào bờ, dự định ngày 18-1 (25 tháng Chạp) cưới vợ nhưng trời cứ bão tố thế này thì sao mà kịp về quê (Hải Hậu – Nam Định). May mà chưa phát thiệp cho bà con, bạn bè chứ không thì…” Vậy anh định lại ngày cưới chưa? Tôi hỏi. “Phải tổ chức trước Tết chứ sang năm ông bà hai bên không chịu. Được cái là tuy buồn nhưng cả cô ấy và hai gia đình đều hiểu cho hoàn cảnh quyết tâm đợi ngày mình về.” Tôi thấy như niềm hy vọng về một đám cưới rộn ràng đang long lanh trong mắt anh.
Khi viết bài này, tôi lại nghe tin hết đợt áp thấp sẽ lại có một cơn bão đang đến gần với tàu HQ936. Bằng mọi cách, phải hoàn thành nhiệm vụ trước khi cơn bão đuổi kịp chúng tôi. Ngoài kia, trăng muộn tháng Chạp sáng vằng vặc, tỏa trên nền biển động ánh sáng trắng lóa, dập dềnh theo từng con sóng…
Hồng Nhạn (gửi về từ Trường Sa Đông)