Thế giới tốn thêm 500 tỷ USD cho mỗi năm trì hoãn chống biến đổi khí hậu

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, các nghiên cứu mới công bố của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết cứ mỗi năm trì hoãn các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, thế giới mất thêm 500 tỷ USD đầu tư cho năng lượng sạch vào năm 2030.

Theo số liệu của các nghiên cứu này, để giảm 50% lượng khí thải cácbôních (CO2) vào năm 2050, thế giới cần đầu tư tới 316.000 tỷ USD, cao hơn 17% so với tổng đầu tư thông thường hiện nay. Tổng lượng khí thải CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch năm 2005 là 27,1 tỷ tấn, nhưng nếu chính sách hiện hành không được thay đổi mạnh mẽ, lượng khí thải này sẽ tăng tới 42 tỷ tấn vào năm 2030.

Vận tải hiện chiếm 25% tổng năng lượng được sử dụng và lượng khí thải liên quan đến nguồn năng lượng này nhưng nếu không thay đổi chính sách hiện hành, lượng năng lượng được ngành vận tải sử dụng cũng như lượng khí thải CO2 có liên quan sẽ tăng 50% vào năm 2030 và 80% và năm 2050. Khí thải do sản xuất điện chiếm 40% tổng lượng khí thải toàn cầu và sẽ tăng lên 58% vào năm 2030 nếu các biện pháp chính sách mới không được thực hiện trên toàn cầu. Năng lượng gió sẽ là nguồn năng lượng tái sinh giúp giảm khí thải tăng nhanh nhất thế giới với tốc độ đã tăng 24% hàng năm từ năm 1990 đến 2005.

Các nghiên cứu cho rằng nếu các kiến nghị về sử dụng hiệu quả năng lượng của IEA với các nền kinh tế phát triển G8 được thực hiện trên toàn cầu, mỗi năm thế giới có thể giảm được 8,2 tỷ tấn CO2 từ nay đến năm 2030. Mạng năng lượng thông minh có thể giảm 0,9-2,2 tỷ tấn CO2 vào năm 2050. Công nghiệp chiếm hơn 30% tổng năng lượng được sử dụng và 40% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Trong thập kỷ mới đây, hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp đã tăng lên khiến lượng khí thải CO2 giảm mạnh, nhưng tiến triển này đã bị vô hiệu hoá cùng với tăng sản xuất công nghiệp toàn cầu. Nghiên cứu của IEA cảnh báo nếu thế giới không có hành động quyết liệt, xu hướng này sẽ tiếp tục với lượng khí thải trong công nghiệp tăng với nhịp độ cao hơn.

Vào năm 2030, khoảng 10% phế thải nông nghiệp và lâm nghiệp toàn cầu có thể cung cấp 50% nhu cầu nhiên liệu sinh học. Kịch bản này cần được thúc đẩy trong khu vực năng lượng để góp phần giữ nhiệt độ toàn cầu không quá 20C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.

(Theo TTXVN)