Pháp, Anh nhất trí phối hợp hành động giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công

Tối 6/8, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) và Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) đã có cuộc điện đàm để thảo luận về tình hình khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại Mỹ sau khi nền kinh tế số một thế giới bị cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) hạ mức xếp hạng tín dụng từ AAA xuống mức AA+, gây tâm lý hoang mang tại nhiều nền kinh tế.

Trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp hành động và giám sát chặt chẽ những diến biến tình hình trên các thị trường tài chính. Theo các nguồn tin của I-ta-li-a, rạng sáng 7/8, các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) đã tiến hành một cuộc thảo luận qua điện thoại về cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa châu Âu cũng như tình hình các thị trường tài chính. Dự kiến, các nhà lãnh đạo nhóm G-7 cũng sẽ họp khẩn cấp trong vài ngày tới để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Sau khi nền kinh tế Mỹ bị S&P hạ mức xếp hạng tín dụng, Bộ trưởng Tài chính Pháp Phrăng-xoa Ba-rôn (Francoise Baroin) vẫn bày tỏ tin tưởng vào sự vững chắc của nền kinh tế Mỹ cũng như quyết tâm của Oa-sinh-tơn trong việc thực hiện kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách vừa được quốc hội nước này thông qua.

Cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng ơrô đã trở nên đặc biệt căng thẳng khi I-ta-li-a và Tây Ban Nha được đánh giá là đang nằm ở "mắt" bão tài chính và có thể trở thành con bài "đôminô" nợ công tiếp theo sau Hy Lạp, Ai-len và Bồ Đào Nha. Theo Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kinh tế Ô-li Rên (Olli Rehn), G-7 và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) có thể giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong các nỗ lực dập tắt cơn hoảng loạn đang ngày càng gia tăng trong khu vực đồng ơ-rô.