Khẳng định chủ quyền và tập trung phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam

Sáng ngày 16-7, tại Báo Hải Phòng, đã diễn ra Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, với chủ đề “Báo Đảng góp phần phát triển đất nước mạnh về biển, làm giàu từ biển”. Tham dự cuộc hội thảo, ngoài lãnh đạo Ban Biên tập 5 tờ báo Đảng nói trên còn có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP. Hải Phòng, Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Lãnh đạo 5 cơ quan Báo Đảng tham dự hội thảo

Tại hội thảo, lãnh đạo 5 cơ quan báo chí cũng như các đại biểu nhất trí rằng, xuất phát từ tình hình thực tế diễn biến phức tạp trên biển Đông thời gian qua, định hướng Chiến lược biển đến năm 2020... cho thấy tất cả phương tiện truyền thông (trong đó có hệ thống báo Đảng nói chung) cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền về biển, đảo (cả về thời lượng lẫn chất lượng) trên tất cả các mặt: lợi thế, tiềm năng to lớn của biển Đông trong phát triển kinh tế-du lịch biển, đảo; ý nghĩa sống còn của việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; các cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; các định hướng, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước với biển, đảo; các hoạt động bảo vệ quyền chủ quyền quốc gia trên biển; hoạt động cả nước hướng về biên giới, hải đảo...

Mục tiêu là huy động sức mạnh toàn dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khơi dậy và phát huy các nguồn lực tham gia phát triển kinh tế biển, làm cho: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh’’...

Về vấn đề phát triển kinh tế biển, đảo, các tham luận tại hội thảo đều khẳng định rằng, đó là mục tiêu lớn, xuyên suốt bên cạnh việc khẳng định chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng Lê Trọng Nghĩa khẳng định, hệ thống báo Đảng có vai trò quan trọng trong việc phổ cập tiềm năng kinh tế biển; khơi gợi các cơ quan đầu tư, khai thác các lợi thế từ biển; kiến nghị các chính sách ưu đãi để người dân, các doanh nghiệp có thể làm giàu từ biển.

Trong tình hình hiện nay, các báo Đảng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục sâu rộng; cần mở các trang chuyên đề thường kỳ nhằm nâng cao nhận thức của tất cả cấp, ngành, tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển.

Tư duy về biển phải được thể hiện đậm nét trong các chính sách phát triển của những ngành có liên quan và các địa phương có biển trong giai đoạn sắp tới.

Ý thức về biển, đảo phải được tất cả ngành, cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương có biển quan tâm thường xuyên. Đối với mọi người dân, báo chí cần khơi gợi ý thức về biển thể hiện sâu sắc bằng việc khai thác đi liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Trong khi đó, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến cho rằng, phải đánh giá đúng tiềm năng, vị thế kinh tế biển để đầu tư hợp lý. Trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, vị thế của kinh tế biển, cần triển khai hàng loạt vấn đề để hiện thực hóa tiềm năng, vị thế, đó là: Khai thác vùng không gian biển (mặt biển, dưới biển và bầu trời trên biển); Khai thác vùng bờ biển (vùng duyên hải với các cảng biển, bãi biển, thành phố biển, khu kinh tế ven biển); Phát triển các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển và các khu vực kết nối (các ngành phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển khoa học – công nghệ biển, nguồn nhân lực cho kinh tế biển, kết nối tuyến du lịch đất liền...).

“Một vấn đề hết sức quan trọng là phải dành ngân sách tương xứng để triển khai mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển chiếm trên 50% GDP. Những con số chính thức về phân bổ ngân sách trung ương qua hai năm gần nhất cho thấy, việc đầu tư chưa đầy 1% ngân sách vào khu vực đóng góp khoảng 50% tổng GDP của cả nước là một sự mất cân đối không thể chấp nhận được. Về quản lý nhà nước, hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có nhiệm vụ thống nhất quản lý về biển, đảo. Nhưng trên thực tế, đang có đến 15 bộ, ngành tham gia quản lý biển. Dù được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý, nhưng Tổng cục Biển và Hải đảo rất khó khăn khi yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cung cấp thông tin. Chính vì vậy, việc ban hành một bộ luật về biển là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong vấn đề quy hoạch, quản lý, khai thác và bảo vệ biển” – đồng chí Lê Tiền Tuyến khẳng định.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, quân chủng Hải quân báo cáo một số vấn đề về tình hình biển Đông cũng như chiến lược bảo vệ vùng biển hải đảo của Tổ quốc và chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam trong thời gian tới.

Sau hội thảo này, năm sau, 2012, hội thảo 5 báo Đảng trực thuộc Trung ương sẽ được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh do Báo SGGP chủ trì.

Nguồn Báo SGGP