Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp kiểm tra chặt chẽ hoạt động tàu cá, các chủ phương tiện trong khai thác hải sản trên biển. Từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, cũng như chưa có lô hàng thủy sản (TS) nào bị yêu cầu chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu TS.

Những ngày này, ngư dân tỉnh ta đang vào mùa cao điểm khai thác vụ cá Nam, mỗi ngày có hàng chục lượt tàu thuyền tấp nập ra vào các cảng bốc dỡ hải sản. Sau mỗi chuyến biển khai thác ở vùng biển xa bờ, chủ tàu nộp hồ sơ tàu cá và nhật ký khai thác tại văn phòng cảng cá để kiểm tra, xác nhận. Sổ nhật ký khai thác được ghi chép từng loài cá, sản lượng và vùng biển được khai thác. Để kiểm soát hoạt động khai thác, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là yêu cầu bắt buộc đối với các tàu khai thác ở vùng biển xa. Ngư dân Nguyễn Thanh Sơn, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), cho biết: Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá giúp ngư dân biết được địa điểm đánh bắt để không đi qua vùng biển nước ngoài. Khi có vấn đề trục trặc trên biển thì có thể điện báo ngay cho các cơ quan chức năng hỗ trợ. Khai thác ở các vùng biển xa, bà con ngư dân đi theo đội, nhóm từ 7-10 tàu cá để kịp thời hỗ trợ nhau, nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển. Qua đó, ngư dân đồng hành với lực lượng chức năng để góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo.

Bộ đội biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân các quy định trước khi ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: X.B

Theo Chi cục TS, hiện tổng số tàu cá đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) là 824/827 (đạt 99,6%) thuộc diện phải được cấp giấy chứng nhận ATTP. Đã có 829/829 tàu được cấp giấy phép khai thác TS vùng khơi (đạt 100%), 523/538 tàu được cấp giấy phép khai thác thác TS vùng lộng (97,21%) và 909 tàu cá vùng bờ của tỉnh đã được cấp giấy phép khai thác TS theo quy định. Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 829 tàu cá từ 15 m trở lên, trong đó có 822 tàu đang hoạt động khai thác, 6 tàu nằm bờ do hư hỏng, chìm tại bờ, không đủ tiền trả nợ vay ngân hàng, 1 tàu đã bán ra ngoài tỉnh, ... đã có 821 tàu cá/822 tàu cá đang hoạt động lắp thiết bị giám sát hành trình (đạt 99,8%). Tỉnh cũng đã triển khai đánh dấu tàu cá cho 2.200 tàu cá tỉnh, trong đó: 829 tàu từ 15 m trở lên (đạt 100%), 462 tàu từ 12 đến dưới 15 m (đạt 85,7%), tàu cá dưới 12 m là 909 tàu (đạt 100%).

Qua công tác truy xuất nguồn gốc TS từ khai thác, trong 6 tháng năm 2023, đã có 3.217 lượt tàu cá cập cảng và rời cảng, tổng sản phẩm bốc dỡ qua cảng là 2.586,87 tấn. Số liệu giám sát sản lượng TS bốc dỡ qua cảng được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia và tổ chức ghi chép, lưu trữ hồ sơ tàu cá cập và rời cảng được kịp thời, đầy đủ. Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai hoạt động tuần tra kiểm soát tàu cá trên biển nhằm ngăn ngừa, chấm dứt tình trạng tàu cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong quá trình thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Ngư dân Đông Hải chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục TS tỉnh cho biết: Thông qua tuyên truyền, ngư dân đã nhận thức được tác hại của việc vi phạm vùng biển nước ngoài. Việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá theo khuyến nghị của EC có nhiều tiến bộ, đa phần các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm túc việc khai báo, nộp sổ nhật ký khai thác. Tính đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Về chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu TS, địa phương cũng chưa có lô hàng TS nào yêu cầu chứng nhận.

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chống khai thác IUU, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể giao cho các sở, ngành, địa phương thực hiện. Để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, Ninh Thuận tập trung rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác TS, chứng nhận ATTP, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Tỉnh cũng yêu cầu lực lượng chức năng tại các cảng cá: Đông Hải, Ninh Chữ, Mỹ Tân, Cà Ná phối hợp lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập cảng theo đúng quy định, kiểm tra thiết bị giám sát hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; tổ chức giám sát toàn bộ sản lượng TS khai thác được bốc dỡ tại các cảng cá. Đồng thời, kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá. Thời gian tới, thực hiện các nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra kiểm soát tại các cửa biển, kiến quyết không cho tàu cá tham gia khai thác hải sản đối với các tàu chưa lắp thiết bị VMS, chưa đánh dấu tàu cá, chưa được cấp cấp phép giấy phép khai thác TS hoặc giấy phép. Xử lý nghiêm các trưởng hợp vi phạm IUU và thông tin đến truyền thông đến ngư dân. Đặc biệt là các trường hợp tàu cá hoạt động nhưng cố tình không lắp đặt hoặc lắp đặt nhưng không duy trì kết nối thiết bị VMS; vi phạm vùng biển nước ngoài, chưa làm thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại cảng; lập danh sách tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS, giám sát việc vận hành, sử dụng có hiệu quả hệ thống VMS để theo dõi hoạt động tàu cá trên biển. Triển khai công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng TS bốc dỡ qua cảng đảm bảo theo chuỗi; thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc TS khai thác, có sự kiểm tra đối chiếu dữ liệu từ nhật ký khai thác TS, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia và hệ thống giám sát hành trình tàu cá.