Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021)

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh: Quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép”

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành; sự ủng hộ của Nhân dân, đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, ngành GD&ĐT Ninh Thuận đã triển khai và thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo hoàn thành kế hoạch giảng dạy, tạo chuyển biến toàn diện cả về quy mô, chất lượng.

Nhìn lại năm học 2020-2021, năm đầu tiên ngành GD&ĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018, dạy và học trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, song với sự nỗ lực và quyết tâm cao để hoàn thành “mục tiêu kép”, ngành đã có nhiều giải pháp, chủ động xây dựng kế hoạch năm học linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch COVID-19 đạt nhiều kết quả nổi bật. Ngành triển khai thực hiện nghiêm túc việc đổi mới chương trình sách giáo khoa lớp 1; các hoạt động giáo dục ở các cấp học được triển khai chủ động, sáng tạo, phù hợp; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ được nâng lên; chất lượng giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến; chất lượng mũi nhọn có bước phát triển hơn so với năm học trước. Tỷ lệ học sinh (HS) ra lớp các cấp học khá cao, số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100,6%; tỷ lệ HS lớp 1, lớp 6 tuyển mới đúng độ tuổi đạt 99,9%; tỷ lệ tốt nghiệp cấp THCS toàn tỉnh đạt 99,88%; tỷ lệ HS THPT tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 95,31%. Trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp quốc gia năm học 2020-2021, đạt 15 giải gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.

Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn) xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Ảnh: V.M

Quy mô trường lớp ở các cấp học tiếp tục được sắp xếp, quy hoạch phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của HS, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đặc biệt thực hiện bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và thực hiện đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS, tinh giản nội dung dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình GDPT.

Năm học 2021-2022, năm đầu tiên ngành GD&ĐT triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động số 09-CT/TU ngày 7-12-2020 của Tỉnh ủy. Do đó, toàn ngành quyết tâm đoàn kết, đồng lòng, vượt khó vươn lên để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phát triển GD&ĐT giai đoạn 2020-2025. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa duy trì kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng dạy và học, vừa thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, sẵn sàng và chủ động các kịch bản, phương án tốt nhất cho tình huống xấu nhất của dịch bệnh để tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn. Đặc biệt, xây dựng các kịch bản chỉ đạo tổ chức dạy học kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến phù hợp với địa phương, với từng cấp học để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch COVID-19, hoàn thành kế hoạch, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Ninh Phước) đảm bảo khoảng cách và mang khẩu trang trong lớp học. Ảnh: T.Mạnh

Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học. Tiếp tục triển khai Chương trình GDPT mới bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022; tăng cường đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, phương pháp dạy học; đầu tư công tác bồi dưỡng HS giỏi trên cơ sở bảo đảm giáo dục toàn diện, giữ vững và nâng cao hơn nữa kết quả thi tốt nghiệp THPT và chất lượng thi HS giỏi quốc gia. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông nhằm định hướng cho HS về việc chọn nghề; nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp và đội ngũ giáo viên theo Chỉ thị số 41-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình số 181-CTr/TU của Tỉnh ủy; tiếp tục tham mưu xây dựng, phát triển Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ; triển khai kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2022; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực của xã hội để nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học. Chú trọng xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tổ chức đa dạng, hiệu quả các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, truyền thống, pháp luật cho HS. Đặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của HS bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội trong việc quản lý, hỗ trợ HS, nhất là HS tiểu học, trong việc học tập trực tuyến tại nhà. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng; công tác đánh giá đội ngũ nhà giáo theo Chuẩn chức danh và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13-8-2020 của Chính phủ. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực GD&ĐT, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành; kết quả triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, minh bạch, công bằng; phát hiện, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến; đề xuất khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho nhà giáo, HS thi đua, phấn đấu, cống hiến.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, thay mặt lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, tôi gửi lời chúc mừng đến toàn thể nhà giáo, công chức, viên chức quản lý, người lao động ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh qua các thời kỳ lời cảm ơn, thăm hỏi và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Trong bối cảnh hiện nay, trọng trách và nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngày càng lớn. Tôi tin tưởng rằng, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh sẽ luôn nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang của nghề dạy học, xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và mong mỏi của Nhân dân.