Bức tượng Hồ Chí Minh trên hòn đảo châu Phi

Tượng Hồ Chí Minh đã được đặt ở nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có La Habana (Cuba), Moscow (Russia), Zalaegerszeg (Hungary), Montreuil (France), Calcutta (India), Antananarivo (Madagascar), Acapulco (Mexico).

Đêm. Gió biển thổi lồng lộng. Đứng trên bến cảng Toamashina của hòn đảo Madagascar, nhìn ra Ấn Độ Dương bao la, tôi hình dung hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đứng trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville dõi mắt xa xăm theo đại dương thăm thẳm, nhớ đến quê hương trên hành trình vạn dặm tìm con đường giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Sóng vỗ ì ầm vào thân các con tàu trên bến khiến tôi bỗng nhớ câu thơ của Chế Lan Viên viết trong bài Người đi tìm hình của nước: “Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương”.

 Tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Antananarivo.

Sử sách ghi lại người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã xin một chân phụ bếp trên tàu Đô đốc Latouche Tréville và đi qua các miền đất châu Phi. Mỗi khi tàu cập cảng, người thanh niên ấy lại tranh thủ lên bờ, tìm hiểu cuộc sống của vùng đất mới đến.

 Năm 2003, Madagascar đã đặt bức tượng Hồ Chí Minh tại quảng trường cũng mang tên Hồ Chí Minh ở trung tâm thủ đô Antananarivo. Bức tượng bằng đồng đặt trên bệ đá hoa cương, với tổng chiều cao 3,4m, tại một trong những quảng trường đẹp nhất của thủ đô Antananarivo, phía bên dưới có tấm biển đồng khắc câu nói nổi tiếng của Người: Không có gì quý hơn độc lập tự do.

Nhiều người bản xứ nói với tôi rằng, Madagascar dựng tượng đài Hồ Chí Minh không chỉ vì Người là anh hùng giải phóng dân tộc, Người đã nhóm lên ngọn lửa đấu tranh đòi tự do cho các dân tộc nô lệ, trong đó có Madagascar. Người dân Madagascar cũng biết rằng, Hồ Chí Minh từng là bạn chiến đấu của lãnh tụ cách mạng Madagascar Jean Ralaimongo trong những năm tháng hoạt động tại Pháp.

Trong Từ điển Bách khoa toàn thư mở có một câu viết: At the beginning of 1924 Ralaimongo was still in Paris meeting others of a socialist view including the future Ho Chi Minh (Đầu năm 1924 Ralaimongo vẫn còn ở Paris và gặp gỡ nhiều người theo quan điểm xã hội chủ nghĩa, trong đó có Hồ Chí Minh).

Giống như Việt Nam, Madagascar từng là thuộc địa của Pháp. Phong trào đấu tranh giành độc lập tại Madagascar bùng nổ sau khi các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Đến năm 1947, các cuộc đấu tranh nhỏ lẻ tập hợp thành phong trào đấu tranh vũ trang. Người bản xứ Madagascar giao chiến với quân Pháp, kết quả 8.000 người tử thương. Chính phủ Pháp cố giải quyết và xúc tiến cải tổ hành chánh với bộ luật Loi Cadre.

Năm 1958 nước Cộng hòa Malagasy ra đời nhưng chỉ được hưởng quy chế một nước tự trị trong cộng đồng Pháp (hậu thân của Liên hiệp Pháp). Thể chế này chấm dứt ngày 26-6-1960 khi Madagascar tuyên bố hoàn toàn độc lập theo hiến pháp mới soạn thảo năm 1959.

Vào năm 1911, khi con tàu Đô đốc Latouche Tréville đi qua các cảng châu Phi, quốc đảo này vẫn còn là thuộc địa của Pháp. Hình ảnh người dân nô lệ làm việc dưới đòn roi của những tên thực dân Pháp đã khiến người thanh niên Việt Nam rơi nước mắt khi anh nghĩ đến số phận những người dân mất nước giống như nhân dân mình.

Madagascar đã để lại dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Từ rất sớm, bằng thực tiễn cuộc sống, trong đó có hình ảnh người nô lệ Madagascar, Người đã phát hiện một chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai loại người: loại người bóc lột và người bị bóc lột”.

Trong thời gian sống tại Pháp, Người đã cùng các bạn châu Phi, trong đó có hai bạn người Madagascar là Jean Ralaimongo, nhà cách mạng yêu nước và Samuel Stephanie, tích cực tổ chức và tham gia lãnh đạo Hội liên hiệp thuộc địa, tập hợp những người dân thuộc địa của Pháp (cuối tháng 11-1921), ra báo Le Paria (Người cùng khổ) để mở rộng tuyên truyền đến các thuộc địa (tháng 4-1922).

Ngay số đầu phát hành, báo Le Paria đã khẳng định: Báo “ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, ở Đông Dương, ở quần đảo Ăng Ti và Guy An”.

Trung tâm thủ đô Antananarivo của Madagascar.

Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản tại Paris năm 1925, Bác Hồ với tên Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo hành động man rợ của đội quân viễn chinh Pháp ở Madagascar năm 1895. Người nhắc lại cuộc tàn sát đẫm máu mà thực dân Pháp đã gây ra cho nhân dân Madagascar: “Chúng đã thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân, tàn sát một lúc 5.000 người của bộ lạc Sacavala trên bờ biển phía Tây của Madagascar”. Trong buổi trò chuyện với nhà thơ Xô Viết Osip Emilyevich Mandelstam, Nguyễn Ái Quốc cũng nhắc lại “những người anh em Madagascar”.

 Giữa thủ đô Antananarivo có 3 tượng đài: một tượng đài tưởng niệm nhà yêu nước Madagascar Jean Ralaimongo, bức tượng của Lênin và bức tượng của Hồ Chí Minh. Xúc động nhất là rất nhiều người dân Madagascar mà tôi đã gặp trước tượng đài Hồ Chí Minh đều nói rằng họ biết về Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam.

 Dấu chân Người trên các bến cảng châu Phi đã xóa nhòa vết tích theo thời gian, nhưng dấu chân Người trong tâm trí người dân Madagascar vẫn còn in đậm.

 Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành là người đã đặt viên gạch đầu tiên cho mối quan hệ hai nước Việt Nam và Madagascar bằng tình bạn chiến đấu giữa Người với lãnh tụ cách mạng Madagascar Jean Ralaimongo. Việt Nam và Madagascar bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18-12-1972.
Trong những năm qua, các hoạt động ngoại giao giữa hai bên diễn ra khá thường xuyên. Tháng 8-2004 và tháng 10-2008, lần lượt đoàn Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Phát triển kinh tế tư nhân Madagascar và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp sang thăm Việt Nam. Về phía Việt Nam, tháng 3-2003 và tháng 11-2003, lần lượt Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị và Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cũng sang thăm Madagascar.
Việt Nam và Madagascar hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Về giáo dục, những năm 1980, Việt Nam có 45 chuyên gia giáo dục sang làm việc tại Madagascar.
Về nông nghiệp, năm 1999, Việt Nam đã cử 80 chuyên gia, kỹ thuật viên nông nghiệp và thủy sản sang làm việc tại Madagascar theo mô hình hợp tác 3 bên với sự tài trợ của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO).
Hiện nay, Việt Nam còn 3 chuyên gia nông nghiệp đang làm việc tại Madagascar trong khuôn khổ hợp tác song phương. Hai nước cũng đã ký kết một số thỏa thuận song phương: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ (11-2003).
Về thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 đạt hơn 10 triệu USD, năm 2009 đạt 5,8 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng như: sắt thép, dệt may, phân bón... và nhập từ Madagascar chủ yếu sắt thép phế liệu, sản phẩm chất dẻo, phụ liệu may, da giày...
(Tư liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam)
Nguồn Báo SGGP