Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần nhận thức và làm tốt ba nội dung sau đây góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng.

Một là, Ðảng và đảng viên hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Trên cơ sở nhận thức nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng, văn hóa cầm quyền của Ðảng thể hiện ở chỗ, Ðảng tôn trọng chính quyền, tôn trọng Nhà nước. Ðảng cầm quyền nhưng không đứng trên Nhà nước và đứng ngoài pháp luật. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là một xã hội có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Với nhà nước đó thì Quốc hội là cơ quan có quyền lực cao nhất. Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia Quốc hội sẽ xin ý kiến quyết đáp của nhân dân. Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu Quốc hội nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. 'Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ''(1). Ðảng cầm quyền theo Hiến pháp và pháp luật, mọi tổ chức và cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật và tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, không có một ngoại lệ nào.

Năm 1945, chỉ hơn một tháng sau khi nước Việt Nam DCCH ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở rằng ''dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng...''. Người còn nói rõ hơn, nhiều người trong Chính phủ phạm những lầm lỗi rất nặng nề, mà một trong số đó là ''cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân''.Có những đảng viên ''âm thầm phớt qua phép luật, trốn tránh và làm trái phép luật. Về điểm này những người ngoài Ðảng cẩn thận hơn. Vì đảng viên thường xem phép luật, chính quyền, v.v. là việc trong nhà''(2).

Khi Ðảng trở thành đảng cầm quyền thì việc giải quyết mối quan hệ giữa Ðảng với Nhà nước là giá trị văn hóa hàng đầu, vì Ðảng phải hoàn thành sứ mạng ''kép''. Là người lãnh đạo Nhà nước, Ðảng lãnh đạo với chiều sâu trí tuệ, một bề dày đạo đức, sự vững chắc về bản lĩnh chính trị và với phương thức lãnh đạo trọng dân, tin dân, gần dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân, nghe dân (nhưng không theo đuôi quần chúng). Là một thành viên nhưng giữ vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị, Ðảng hoạt động phù hợp Hiến pháp và luật pháp. Ðảng coi trọng việc bàn bạc với dân; nghe dân, lấy ý kiến của nhân dân, của các nhà khoa học và các chuyên gia, sẽ tạo được sự đồng thuận cao.

Hai là, người lãnh đạo dũng cảm tự phê bình, không giấu giếm khuyết điểm, phát huy dân chủ và khuyến khích nhân dân, đảng viên phê bình mình.

Trên cơ sở luôn luôn tự phê bình, hoan nghênh nhân dân và đảng viên phê bình mình, Ðảng nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức làm chủ, nâng cao tính tích cực công dân, tự do ngôn luận, tranh luận, phản biện, chất vấn có chất lượng khoa học; khuyến khích nhân dân tham gia vào các công việc của Ðảng và Nhà nước, khắc phục mọi thứ dân chủ hình thức. Không chỉ là phản biện của Mặt trận đối với Ðảng mà cần sớm ban hành quy chế chất vấn trong Ðảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: ''Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm''(3). Phải khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Nếu cán bộ không nói năng, không đề xuất ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Thế là mất hết dân chủ trong Ðảng. Thế là nội bộ của Ðảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản. ''Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo ''đập đi, hò đứng'', không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Ðảng'(4).

Nâng cao văn hóa cầm quyền của Ðảng là thể hiện sự quang minh chính đại, vừa trí tuệ vừa nhân văn trong việc cầm quyền của một đội tiên phong, tức là một đảng đạo đức, văn minh như Bác Hồ đã dạy.

Trên nền tư duy ''Chính phủ là công bộc, đày tớ của dân'', Hồ Chí Minh chỉ ra rằng 'khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi... Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ'(5).

Khuyết điểm, sai lầm cần sớm được nhận ra và khắc phục, sửa chữa. Chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm của Ðảng, nhân dân chính là người mang lại giá trị văn hóa cầm quyền cho Ðảng. Nhận thức rõ điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở 'Chính phủ mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đày tớ tận tụy của nhân dân'.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng phải luôn luôn tạo điều kiện để nhân dân phê bình mình. Bởi vì, dân chúng thông minh, sáng tạo ''biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra''.

''Dám nói'' theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một giá trị văn hóa đỉnh cao. Chỉ có một đảng cách mạng chân chính, đạo đức, văn minh thì mới đủ bản lĩnh tạo điều kiện cho dân dám nói. Và chỉ khi nào người dân và cán bộ đảng viên dám nói, dám phê bình, kiểm soát hoạt động của Ðảng và Chính phủ thì Ðảng và Chính phủ mới làm việc tốt hơn và cán bộ, viên chức các cơ quan chính phủ mới thật sự là công bộc của dân. Vì vậy, ''cần phải có biện pháp khác, biện pháp nghiêm ngặt hơn, để trừng trị loại cán bộ tha hóa, biến chất. Phải gây nên một đạo đức để ngăn ngừa, gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy. Biện pháp ấy là gây nên một cuộc vận động trong công nông chống tiêu cực, làm cho những kẻ 'chạy' không sống còn được''(6).

Ba là, Văn hóa cầm quyền của Ðảng, văn hóa lãnh đạo quản lý có một nội dung căn cốt là văn hóa dùng người. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Mọi việc thành hay bại đều liên quan tới cán bộ tốt hay kém.

Một trong những phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là thông qua cán bộ và công tác cán bộ. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác cán bộ, đó là nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy dự án, chạy bằng cấp, chạy tuổi, như Văn kiện Ðại hội XI của Ðảng đã chỉ rõ. Lại có dạng thách thức khác, đó là năng lực, bản lĩnh, đạo đức, phương pháp công tác của cán bộ không tương xứng với vị trí, chức vụ quản lý, lãnh đạo.

Ðảng tìm thấy giá trị trong các mối quan hệ giữa người già và người trẻ; người trong Ðảng và người ngoài Ðảng; người có bằng cấp và không có bằng cấp, doanh nhân và trí thức, nhà lãnh đạo, quản lý và nhà khoa học... Trí tuệ văn hóa thể hiện bản lĩnh văn hóa của đảng cầm quyền là phải xác định thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, thế hệ trẻ chắc chắn sẽ vượt thế hệ già. Có nhiều người không có bằng cấp nhưng có tài, có đức, cần trọng dụng họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: ''Ðảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa... Trong Ðảng ta chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vu vơ, những việc không chính đáng''(7). Vì vậy, văn hóa cầm quyền là Ðảng phải có đủ năng lực trí tuệ và bản lĩnh phân định một cách khoa học và cách mạng, các phạm trù tốt - xấu, đúng - sai, thật - giả. Ðảng chọn được những người có đức, có tài, quyết tâm suốt đời, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Ðảng sẽ hoàn thành sứ mạng cầm quyền của mình.

Tóm lại, nói tới Ðảng cầm quyền là nói tới sự lãnh đạo và tính chiến đấu của Ðảng. Văn hóa cầm quyền là cái đẹp, cái giá trị của phương thức cầm quyền. Nâng cao năng lực lãnh đạo tức là nâng cao năng lực hoạch định đường lối, giáo dục, thuyết phục, tổ chức nhân dân thực hiện đường lối cách mạng trên cơ sở không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực trí tuệ, bản lĩnh chính trị và phong cách lãnh đạo. Ðảng, cán bộ đảng viên phải biết nhận ra mình và vượt qua chính mình; tu dưỡng, rèn luyện trở thành tấm gương sáng để Ðảng trong sạch, vững mạnh, nhân dân tin tưởng noi theo.

Nguồn Báo Nhân Dân online

--------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hn, 1995, t.5, tr.61

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.500.

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.223.

(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.281.

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.60-61.

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.501.

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.263 - 264.