Phương pháp rèn luyện kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn

(NTO) Thời gian quy định làm bài với kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn là 150 phút. Theo đó, mỗi đề thi đều có hai phần: phần chung (bao gồm một câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức (2 điểm) và một câu yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội ngắn (3 điểm). Phần riêng (yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học 5 điểm).

Trước hết học sinh phải nắm chắc cấu trúc đề thi vì cấu trúc đề thi không chỉ thể hiện rõ dạng thức đề thi mà còn bao gồm phạm vi kiến thức cụ thể cần ôn tập.

Kỹ năng làm bài cho câu hỏi tái hiện kiến thức

Học sinh cần chú ý các phần kiến thức giao nhau của hai chương trình (cơ bản và nâng cao). Đối với câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức, phải nắm chắc những kiến thức khái quát về giai đoạn, tác giả văn học cũng như những kiến thức cụ thể trong những bài học về tác phẩm văn học Việt Nam (hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hoặc đoạn trích...).

Chương trình Ngữ văn lớp 12 hiện nay có nhiều đổi mới. Một số bài được lược bỏ như Bên kia sông Đuống, Mùa lạc, Tiếng hát con tàu, Các vị La Hán chùa Tây Phương… Thay vào đó là các tác phẩm mới: Chiếc thuyền ngoài xa, Ai đã đặt tên cho dòng sông? Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc… Để nắm vững kiến thức, trước hết học sinh phải hệ thống lại những tác phẩm văn học Việt Nam đã học. Hệ thống hóa kiến thức có thể theo nhiều cách, và dựa vào tiêu chí khác nhau. Phân theo thể loại gồm có: thơ (bài thơ Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước…), văn xuôi (truyện ngắn Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, tùy bút Người lái đò sông Đà…) và kịch (trích đoạn vở kịch nói của Lưu Quang Vũ: Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Phân theo chủ đề như: tác phẩm chủ nghĩa anh hùng cách mạng (Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình…) và chủ nghĩa nhân đạo (Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa…). Phân theo thời gian gồm giai đoạn kháng chiến chống Pháp, giai đoạn chống Mỹ cứu nước và thời kỳ đổi mới… Không chỉ hiểu tác phẩm mà các em phải nắm vững thông tin về tác giả, nhớ đặc điểm chính của nhà văn, nhà thơ như biến cố cuộc đời, phong cách sáng tác. Về hoàn cảnh sáng tác, học sinh phải nắm bắt được bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm (như truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân gắn với nạn đói năm 1945). Ngoài ra, học sinh không thể bỏ qua chủ đề của tác phẩm vì đó là căn cứ quan trọng để phân tích giá trị tác phẩm, thái độ và cách giải quyết đề tài của nhà văn.

Một nhược điểm của học sinh là ít đọc tác giả, tác phẩm hay nói đúng hơn là không biết đọc tác phẩm mà chỉ chăm chăm nghĩ đến... bài mẫu trong khi không phải bài văn mẫu nào cũng tốt cả. Đây là cách học ngọn, chưa tự sống và cảm thụ tác phẩm nên chỉ tiếp thu một cách bị động. Học văn phải cảm thụ ngay từ trong cách hiểu của mình thì mới có khả năng tự phân tích bài viết.

Đọc và hiểu tác phẩm như thế nào cho hiệu quả nhất? Phải nắm được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đó, tâm trạng, tâm thế , ý đồ của tác giả. Phải nắm được mạch của tác phẩm và hình tượng trung tâm. Đặc biệt là thuộc những hình ảnh hay.

Trong văn xuôi: Phải nắm được cốt chuyện và tình huống. Đặc biệt là phải nắm nhân vật để phân tích. Vì “đơn vị” cơ bản nhất của văn xuôi tự sự là nhân vật. Nhà văn bao giờ cũng truyền tải nội dung, chủ đề quan niệm nhân sinh qua hệ thống nhân vật, tương quan giữa các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính. Phải biết nắm được đặc điểm này thì mới có một dàn bài chi tiết làm bài. Ngoại hình, đặc tả, ngôn ngữ nhân vật, đời sống nội tâm nhân vật, hành động cử chỉ gây ấn tượng của nhân vật... Nhớ cốt chuyện, tình huống, nhân vật trung tâm, những bước ngoặt của dòng cốt truyện, quan trọng nhất là nắm nhân vật, quan hệ của nhân vật, chính, phụ, phản diện, chính diện, ngôn ngữ, cử chỉ nhân vật. Phân tích nhân vật phải nắm tính cách, số phận của nhân vật. Học sinh phải nhớ chi tiết cụ thể để có chất liệu làm bài. Phải có ý thức đọc để làm bài, đọc phải nhớ, phải có định hướng.

Riêng phần kiến thức về ba tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần nắm được những nét chính về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác, phong cách sáng tác của tác giả (vì đề thi thường kiểm tra phần này) và những kiến thức về tác phẩm (tóm tắt tác phẩm, đoạn trích, giá trị nội dung - nghệ thuật, các chi tiết tiêu biểu...).

Thông thường học sinh sợ nhất là câu tái hiện kiến thức vì phải học và ghi nhớ nhiều kiến thức. Tuy nhiên, nếu không làm được câu này thì rất có thể bài văn không đạt điểm trung bình. Sẽ không quá nặng nề nếu học sinh nắm được phương pháp và cách thức làm bài.

Câu trả lời tái hiện kiến thức cần được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, có thể gạch đầu dòng chứ không nhất thiết phải trình bày thành một đoạn văn.

Xem tiếp kỳ sau