Chính phủ họp trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Ngày 7-9, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong cả nước về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Dự họp tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, tổng lượng thủy sản đạt khoảng 8,3-8,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,5-8,9 tỷ USD, giá trị sản xuất đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng; giải quyết sinh kế cho khoảng 1 triệu lao động trực tiếp trên biển và khoảng 4 triệu lao động gián tiếp ven biển. Đồng thời, góp phần rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém chưa khắc phục được và chưa đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là công tác chống khai thác IUU. Do đó, ngày 23-10-2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “Thẻ vàng” đối với các sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU với lý do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU. Đồng thời, đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện để chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng”.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự họp tại điểm cầu tỉnh ta.

Để thực hiện khuyến nghị của EC, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành Văn bản số 81-CV/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống khai thác IUU. Qua đó, công tác chống khai thác IUU được chỉ đạo quyết liệt và thực hiện hiệu quả, đạt một số kết quả. Đến nay, số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình 27.628 tàu cá, đạt 90,26%. Hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ; kiểm soát được quy trình truy xuất nguồn gốc tại nhà máy chế biến và giám sát nguyên liệu được sử dụng trong các nhà máy; ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt hơn 13,6 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh từ Trung ương đến địa phương, nhờ đó, sự hiểu biết, trách nhiệm, ý thức của cộng đồng ngư dân và các doanh nghiệp thủy sản về các quy định của pháp luật thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, EC cũng thấy được nỗ lực, kết quả tích cực của Việt Nam về chống khai thác IUU.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần thực hiện các biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để ngay trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm, đến tháng 10-2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện quản lý chặt chẽ khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên biển, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với các địa phương, cơ sở vi phạm; các lực lượng chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ kiểm tra, kiểm soát việc vi phạm trên vùng biển, yêu cầu các doanh nghiệp thủy sản kiên quyết từ chối thu mua các loại thủy hải sản không rõ nguồn gốc. Đối với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những quy định về việc vi phạm vùng biển khai thác để các chủ phương tiện, ngư dân nắm rõ và đồng tình thực hiện theo đúng quy định, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế cũng như giúp ngư dân yên tâm bám biển quê hương.