Tọa đàm phản biện dự thảo Báo cáo và Chỉ thị về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đến năm 2025

Ngày 12-7, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức buổi tọa đàm phản biện dự thảo Báo cáo và Chỉ thị về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tọa đàm. Tham dự có lãnh đạo sở Nội vụ, các chuyên gia, thành viên của Hội đồng tư vấn về kinh tế- xã hội.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC giai đoạn 2016-2020, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động tích cực triển khai thực hiện, qua đó đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đưa chỉ số mức độ hài lòng của nền hành chính đạt 81,04%. Tuy nhiên trong thực tế giai đoạn mới, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế cần phải tập trung giải quyết, do đó dự thảo Báo cáo và Chỉ thị về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 được xây dựng nhằm tạo bước đột phá mới trong CCHC và xây dựng chính quyền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PAR INDEX) thuộc nhóm tỉnh loại tốt; chỉ số mức độ hài lòng (SIPAS) đạt từ 85% trở lên; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) thuộc top 20 tỉnh, thành phố xếp hạng cao của cả nước...

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì buổi tọa đàm phản biện.

Tại hội nghị, các chuyên gia, thành viên hội đồng tư vấn đánh giá nội dung của dự thảo rõ ràng, chi tiết, có tính khoa học, bám sát thực tiễn địa phương, đồng thời góp ý, làm rõ thêm một số vấn đề: Cần bổ sung giải pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm trễ trong xử lý thủ tục hành chính; đề xuất phương hướng nhằm duy trì và nâng cao các chỉ tiêu về CCHC; tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ các cấp trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong CCHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trông thực hiện các nhiệm vụ về CCHC.

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao những đóng góp, ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu cho dự thảo. Nhấn mạnh tầm quan trọng của CCHC trong góp phần đưa tỉnh nhà phát triển trong thời gian tới, đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, tiếp thu và tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành hình thức văn bản là Chỉ thị hoặc Nghị quyết; cần xem xét, đánh giá kỹ hơn những mặt đạt được và hạn chế được trong công tác CCHC trong thời gian qua; nghiên cứu, làm rõ những nguyên nhân chưa thành công trong công tác CCHC và rút ra bài học kinh nghiệm. Về phương hướng, nhiệm vụ, cần xác định rõ quan điểm, mục tiêu CCHC gắn với xu thế hiện nay và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra; cần có chỉ tiêu cụ thể hằng năm để các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ.