Doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN). Đứng trước khó khăn, các DN trên địa bàn tỉnh đang đề ra giải pháp sản xuất, kinh doanh linh hoạt, đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa ổn định hoạt động của DN.

Là DN thuộc lĩnh vực may mặc, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú đóng trên địa bàn xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) liên tục đối mặt với nhiều khó khăn như: Đầu vào nguyên liệu khan hiếm và tăng giá; đầu ra bị nghẽn do đối tác cắt giảm đơn hàng, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm mạnh, một số đối tác tại các thị trường Nhật, Mỹ và EU tạm ngưng giao dịch và dời thời điểm nhận hàng. Lượng hàng hóa tồn kho ngày càng lớn, ảnh hưởng đến sản xuất của DN. Ông Bùi Trọng Vỹ, Giám đốc Công ty, cho biết: Bài toán khó đối với công ty trong thời gian qua chính là làm sao để duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định cho cho 600 công nhân. Trước tình thế đó, Ban lãnh đạo Công ty đã nhiều lần họp bàn, đánh giá tình hình đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể như: Chấp nhận sản xuất các đơn hàng hòa vốn hoặc lỗ ít, lưu kho hàng hóa để duy trì sản xuất, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới và các đơn hàng gia công may khẩu trang, bảo hộ y tế… May mắn, đến thời điểm hiện tại, Công ty chưa lần nào phải tạm dừng hoạt động, 100% lao động được bố trí việc làm và đảm bảo mức thu nhập tối thiểu bằng 80% so với trước khi xảy ra dịch. Các đơn hàng đã bắt đầu hồi phục, đạt từ 75-85% so với năng lực sản xuất. Công ty hy vọng sẽ tiếp tục duy trì hoạt động đến khi dịch được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi trở lại.

Trung Nam Group đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná
trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, là một tập đoàn đa ngành, tham gia đầu tư nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh, từ khi có dịch COVID-19 với nhiều lần giãn cách xã hội, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) cũng gặp những trở ngại nhất định. Theo đại diện của Trung Nam Group, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến số lượng nhân lực của công ty và các nhà thầu. Bao gồm đội ngũ kỹ sư, chuyên gia nước ngoài và số lượng công nhân lao động phổ thông. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án mà Trung Nam Group triển khai trên địa bàn tỉnh đều sử dụng một phần vật liệu từ nước ngoài nên khi đại dịch COVID- 19 lây lan nhanh, diễn biến phức tạp ở nhiều nước, chuỗi cung ứng Logistic toàn cầu bị gián đoạn đã làm gia tăng thời gian vận chuyển, thông quan nhập khẩu hàng hóa từ hai đến ba lần, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công dự án.

Với quyết tâm hoàn thành dự án đúng thời gian, phía tập đoàn đã chuyển đổi sang làm việc trực tuyến; yêu cầu đội ngũ chuyên gia, kỹ sư túc trực ngay tại vùng dự án để chỉ đạo, kiểm tra thi công; làm việc chặt chẽ với nhà thầu đảm bảo số lượng công nhân tối thiểu, tiến hành tăng ca. Đồng thời, chủ động lên kế hoạch, đặt hàng vật liệu phục vụ thi công dự án để giảm thời gian chờ đợi và tránh đội giá. Nhờ chủ động, nên thời gian qua, các dự của Trung Nam Group triển khai trên địa bàn tỉnh đều hoàn thành và đi vào vận hành đúng tiến độ, bước đầu mang lại lợi nhuận. Từ đó, giúp đơn vị có thêm nguồn lực thực hiện trách nhiệm cộng đồng, ủng hộ phòng dịch COVID-19, an sinh xã hội tại địa phương hàng tỷ đồng.

Công nhân Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú vào ca sản xuất. Ảnh: Phan Bình

Chia sẻ về những khó khăn của DN trong thời kỳ dịch COVID-19, ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, cho biết: Dịch bùng phát khiến hoạt động của hầu hết các DN thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là các DN trẻ, mới khởi nghiệp chưa đủ mạnh về kinh tế cũng như kinh nghiệm đối phó. Để “dìu” nhau vượt qua đại dịch, Hội thường xuyên họp bàn với hội viên, tìm hướng đi mới phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Giải pháp chính được đưa ra là gia tăng sự liên kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác SXKD giữa các hội viên. Đồng thời, định hướng, khuyến khích hội viên nhanh chóng thay đổi chiến lược, mặt hàng kinh doanh; tăng huy động vốn, giảm giá thành sản phẩm, áp dụng nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng; nâng cao chất lượng hàng hóa kết hợp chuyển đổi số, tăng quảng bá hình ảnh, giảm nhân sự…

Để giúp DN đứng vững trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hơn 1 năm qua, tỉnh ta đã triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD theo các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đã gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho 426 DN với số tiền thuế gia hạn trên 69 tỷ đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng trên 2.260 tỷ đồng/56 lượt DN. Các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 42 DN với dư nợ được cơ cấu là 186 tỷ đồng; miễn giảm lãi với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng cho các DN; thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay trước dịch COVID-19; đồng thời, triển khai gói cho vay ưu đãi hỗ trợ DN với lãi suất giảm từ 2 đến 2,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; tiến hành cho DN vay mới số tiền 3.560 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giải quyết kịp thời khó khăn về vốn, tạo điều kiện để DN có đủ vốn duy trì SXKD.

Hy vọng rằng, với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng với hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các DN trên địa bàn tỉnh ta sẽ tiếp tục thực hiện đạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì SXKD có hiệu quả.

Hà Anh