Thị trường-Tài chính

* Giá vàng sáng 21/6 giao dịch quanh mức 56,8 triệu đồng/lượng

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,2 - 56,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên cuối tuần qua.

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giữ nguyên so với chốt phiên cuối tuần qua, ở mức 56,75 - 56,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Sáng 21/6, tỷ giá trung tâm tăng 19 đồng, giá USD tăng mạnh

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 21/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.167 VND/USD, tăng 19 đồng so với cuối tuần qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.862 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.572 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, sáng 21/6, giá đồng USD tăng mạnh, trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) biến động trái chiều.

Lúc 8 giờ 40 phút, giá USD tại Vietcombank được điều chỉnh tăng 40 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm cuối tuần qua, ở mức 22.870 - 23.100 VND/USD (mua vào - bán ra).

Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.492 - 3.639 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 6 đồng ở chiều mua vào và 5 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm cuối tuần qua.

Giá vàng tại thị trường châu Á trong phiên sáng 21/6 tăng 0,6% lên 1.773,12 USD/ounce, hướng tới chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp, nhưng vẫn gần mức thấp nhất kể từ đầu tháng Năm, do chịu sức ép trước việc đồng USD mạnh.

* Giá dầu châu Á đi lên

Trong phiên giao dịch sáng 21/6, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên, nhờ nhu cầu gia tăng mạnh mẽ trong mùa Hè và sự trì hoãn trong việc nối lại nguồn cung từ Iran.

Vào lúc 10 giờ 44 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng 8/2021 tăng 35 xu Mỹ (0,5%) lên 73,86 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2021 tăng 41 xu Mỹ (0,6%) lên 72,05 USD/thùng

Thị trường nông sản tuần qua

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt ở những địa phương bước vào thu hoạch lúa Hè Thu. Trong khi đó, giá cà phê trong nước không có biến động mạnh, giao dịch chủ yếu quanh mốc 34.000 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, lúa Jamine giảm 400 đồng/kg còn 6.500 đồng/kg, lúa OM 4218 giảm 300 đồng/kg còn 6.300 đồng/kg, lúa IR 50404 cũng giảm 300 đồng/kg còn ở mức 6.100 đồng/kg.

Còn tại An Giang, giá lúa tươi như: IR50404 từ 5.200 - 5.400 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 5.900 – 6.000 đồng/kg, OM 5451 là 5.400 -5.500 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.500 - 7.600 đồng/kg. Với giá lúa tươi hiện nay so với cuối tháng 5 đã giảm từ 500 – 700 đồng/kg. Về mặt hàng cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua không có nhiều biến động, tăng/giảm nhẹ từ 100 - 200 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá cà phê tại Lâm Đồng từ 33.100 – 33.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tuần trước; tại Kon Tum, Gia Lai, giá cà phê cùng 34.000 đồng/kg.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5/2021 do đồng rupee yếu đi. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 374 - 379 USD/tấn, giảm so với mức từ 379 - 383 USD/tấn trong tuần trước, do đồng rupee mất giá xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm từ 455 - 484 USD/tấn trong tuần trước giảm xuống còn từ 440 - 486 USD/tấn trong tuần này. Nhiều nhà giao dịch cho rằng nguồn cung được dự báo gia tăng nhờ các trận mưa, đã ảnh hưởng xấu đến giá gạo. Ngoài ra, một số nhà giao dịch nhận định chi phí vận chuyển gia tăng tiếp tục là yếu tố khiến giá gạo ở mức cao.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng nhẹ lên mức từ 483-487 USD/tấn, so với mức từ 480-485 USD/tấn của tuần trước. Một thương lái có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Các nhà nhập khẩu đang chuyển hướng sang các thị trường khác (Thái Lan và Ấn Độ) mua gạo 5% tấm để được hưởng giá thấp, tuy nhiên vẫn có một số đang mua gạo thơm Jasmine từ Việt Nam".