Ninh Phước tích cực sản xuất vụ hè - thu

Đến thời điểm này, nông dân huyện Ninh Phước đã cơ bản hoàn thành việc xuống giống vụ hè - thu 2021. Năm nay, trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nông dân chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hơn nữa hiệu quả, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, trong vụ hè-thu năm nay, huyện gieo trồng khoảng 8,26 ngàn ha; trong đó, trên 5,3 ngàn ha lúa, 754 ha bắp, 1.552 ha cây rau, đậu các loại và trên 486 ha cỏ chăn nuôi; tiếp tục duy trì 11 cánh đồng lúa lớn, diện tích hơn 2.156 ha và 2 cánh đồng lớn trồng măng tây xanh 55 ha. Ngoài ra, các loại cây lâu năm chủ lực với tổng diện tích 1.204 ha; trong đó, táo 738,9 ha, nho 468,5 ha.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) chăm sóc măng tây xanh vụ hè-thu. Ảnh: Văn Nỷ

Để tiết kiệm nước tưới và nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm trên những vùng đất gò đồi, cuối kênh, vùng không chủ động nguồn nước, huyện chủ trương chuyển đổi, luân canh gần 20 ha cây trồng cạn, trong đó 11 ha cây hằng năm, gồm: 6 ha bắp, 2,9 ha cỏ chăn nuôi, 2,1 ha ra rau, đậu các loại; chuyển đổi khoảng 9 ha cây ăn quả lâu năm như: Táo, nho, mít và dừa. Phát huy hiệu quả mô hình san phẳng mặt ruộng bằng tia laser diện tích 29,4 ha với 51 hộ dân tham gia, tại các xã Phước Hậu, Phước Sơn và Phước Thuận.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Xác định ưu thế sản xuất, phù hợp tại địa phương đối với cây lúa, huyện đã chỉ đạo các xã khuyến cáo người dân nên sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, dễ chăm sóc như: Giống ML 202, ML 214, TH41 phục tráng, TH6, ML48 đối với lúa hạt bầu tròn và giống OM 6976, OM4900, OM5451, An sinh 1399, Đài thơm 8 đối với lúa hạt dài. Bên cạnh sử dụng các giống cấp xác nhận, giống phục tráng, các địa phương còn kết hợp áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Theo đó, giảm lượng giống gieo xạ, bón phân cân đối, hợp lý, hiệu quả; áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu hại tổng hợp; giảm lượng nước trong ruộng lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo quy trình ướt, khô xen kẽ, nhằm tiết kiệm nước; các địa phương cũng đã tập trung xuống giống đồng loạt, kết hợp các biện pháp phòng trừ sâu bệnh để giảm thiệt hại trong quá trình canh tác.

Nông dân huyện Ninh Phước tiến hành làm đất để triển khai xuống giống vụ Hè-Thu 2021

Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân phương pháp canh tác phòng trừ sâu hại các loại cây trồng vụ hè-thu. Vận động nông dân áp dụng mô hình bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo, mô hình tưới tiết kiệm nước và hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP trên các loại cây trồng nhằm nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm nông nghiệp theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết 4 nhà, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp công tác kiểm tra, kiểm soát giống cây trồng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất đạt kết quả cao. Trạm Thủy nông huyện cũng đã củng cố các Tổ thủy nông cơ sở chủ động khắc phục, nạo vét hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất; phối hợp với các địa phương xây dựng lịch điều tiết nước cụ thể cho từng vùng, từng xứ đồng và điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý, nhất là đối với diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả.

Để sản xuất có hiệu quả, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nông dân nâng chủ động ứng phó với nắng hạn, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Với những lợi thế trong sản xuất nông nghiệp cùng với đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo của người dân địa phương, hy vọng vụ hè-thu 2021 huyện Ninh Phước sẽ đạt năng suất và hiệu quả cao như mong đợi.