Thuận Nam: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

Hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, huyện Thuận Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế biển.

Với bờ biển dài 38 km, ngoài việc thuận lợi trong khai thác, đánh bắt hải sản, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng được huyện quan tâm chú trọng phát triển, trong đó tập trung chủ yếu ở 3 xã: Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná. Đây là những địa phương có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển hệ thống ao, đìa nuôi. Với tiềm năng đó, huyện xác định thực hiện cơ cấu lại ngành Thủy sản theo hướng nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và giá trị, gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện tốt việc quy hoạch vùng nuôi trồng theo hướng bền vững; vận động người dân lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện ở địa phương; đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng hình thức nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một diện tích, giảm bớt chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất; phối hợp với ngành chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân sản xuất thuận lợi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Người dân xã Phước Dinh (Thuận Nam) nuôi tôm thẻ chân trắng cho năng suất cao.

Một trong những đối tượng nuôi được phát triển mạnh là nuôi tôm thẻ chân trắng, chiếm khoảng trên 80% trong tổng số diện tích nuôi trên địa bàn. Điều đáng ghi nhận trong thời gian gần đây là người dân có ý thức hơn trong việc lựa chọn con giống, cải tạo đìa nuôi và có trách nhiệm giữ gìn môi trường chung; việc sử dụng chất cấm, kháng sinh phòng trị bệnh tôm được hạn chế. Ngoài ra, các hộ nuôi còn mạnh dạn đầu tư áp dụng mô hình nuôi khép kín, sử dụng mô hình sục khí máy cho tôm, nhằm giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nên năng suất qua mỗi vụ thu hoạch đều tăng. Đặc biệt, hiện nay các hộ nuôi đã thành lập các tổ cộng đồng liên kết nuôi tôm đã tạo điều kiện cho nghề nuôi tôm phát triển. Anh Huỳnh Long, thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, chia sẻ: Nuôi tôm theo quy trình an toàn hạn chế được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch, tỷ lệ sống của tôm đạt cao, năng suất cũng đạt cao. Vụ tôm vừa qua, gia đình nuôi 5 sào tôm thẻ chân trắng, năng suất đạt trên 8 tạ/sào, sau khi đã trừ chi phí thu về lợi nhuận 100 triệu đồng/sào/vụ.

Cùng với đó, huyện còn có chủ trương khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn đưa đối tượng nuôi có giá trị vào sản xuất. Nhờ đó, đến nay đã hình thành được một số mô hình mới, như: Mô hình nuôi ốc hương thương phẩm; mô hình nuôi cá bớp, rong sụn... cũng phát triển khá, mang lại thu nhập cao. Điển hình như mô hình nuôi ốc hương thương phẩm ở xã Phước Dinh. Phần lớn diện tích nuôi theo mô hình thâm canh kết hợp với lót đáy bạt, sử dụng mái che, năng suất thu hoạch đạt trên 2 tấn/sào; đầu ra sản phẩn ổn định, các hộ nuôi đều có lãi. Hay như mô hình nuôi cá bớp ở xã Cà Ná, tận dụng vùng nước biển gần bờ, nhiều hộ dân đã đầu tư nuôi cá bớp, cho thu nhập cao. Đơn cử như ông Mai Thành Lê, thôn Lạc Sơn, nhận thấy cá bớp được thị trường ưa chuộng, ông đã đầu tư 20 lồng nuôi cá bớp, trên diện tích 80 m2, sau khi trừ các khoản chi phí, cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, hoạt động hiệu quả của các cơ sở, công ty sản xuất giống thủy sản cũng góp phần đáng kể trong việc cung cấp giống chất lượng cho người nuôi ở địa phương, với 38 trại chuyên sản xuất tôm giống, tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích thả nuôi đối với tôm thương phẩm trên địa bàn khoảng 167 ha, sản lượng thu hoạch đạt 1.350 tấn; diện tích nuôi ốc hương được 21 ha, rong sụn 9 ha và cá bớp 10 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 762 tấn; giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, tạo tâm lý phấn khởi cho người nuôi và giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Đồng chí Khưu Lê Khắc Trí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Từ định hướng phát triển của huyện trong thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản mang lại thu nhập ổn định cho các hộ nuôi. Để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Theo đó, ngoài việc quy hoạch lại vùng nuôi tập trung, vận động các hộ nuôi tôm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư kết cấu hạ tầng tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản kết hợp với nhiều đối tượng nuôi trên cùng diện tích, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập; đồng thời, triển khai tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất đối với đối tượng nuôi chủ lực, gắn với áp dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập.