Ngưu Bàng

Còn gọi là đại đao, á thực, hắc phong tử, thử niêm tử. Tên khoa học Arctium lappa L. Thuộc họ Cúc Asteraceae. Ngưu bàng tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây ngưu bàng.

Mô tả cây

Ngưu bàng là một cây sống hằng năm hay hai năm, cao chừng 1m đến 1,5m. Phía trên phân nhiều cành. Lá mọc thành hoa thị ở gốc và mọc so le ở trên thân. Lá to rộng, hình tim, đường kính tới 40-50cm, cuống lá dài, mặt dưới lá mang nhiều lông trắng. Cụm hoa hình đầu, mọc ở đầu cành đường kính 2-4cm. Cánh hoa màu hơi tím. Quả bế màu xám nâu, hơi cong. Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 7-8.

Công dụng và liều dùng

Tây y dùng rễ ngưu bàng hái vào mùa xuân làm thuốc thông tiểu, ra mồ hôi, tẩy máu dùng trong các bệnh tê thấp, đau và sưng khớp, một số bệnh ngoài da (hắc lào, mặt có nhiều trứng cá, lở loét..)

Còn dùng cho người bị đường tiện vì người ta cho rằng rễ ngưu nàng có tác dụng hạ glucoza trong máu, dùng cuống và thân cây làm thức ăn có tác dụng tăng lượng glycogen trong gan. Còn có tác dụng chữa mụn nhọt. Hoạt chất chưa rõ. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 0,60g cao thuốc ổn định. Có thể dùng bột ổn định. Uống luôn trong 3 ngày.

Đông y thường và chỉ dùng quả (gọi nhầm là hạt) để chữa cảm cúm, thông tiểu và chữa sốt, chữa sưng vú, cổ họng sưng đau, viêm phổi, viêm tai. Đối với mụn nhọt đang nung mủ, hoặc tràng nhạc thì có tác dụng chóng vỡ và khỏi. Đối với bệnh sởi đậu cũng có tác dụng làm cho chóng khỏi.

Ngày dùng 6-10g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị khác.

Theo tài liệu cổ ngưu bàng có vị cay, đắng, tình hành, vào 2 kinh phế và vị. Có tác dụng tán phong nhiệt, thanh nhiệt giải độc, tuyên phế, thấu chẩn, đậu sởi, vị thấu (không thấu), phong chẩn, yết hầu sưng đau, ung thũng. Những người tỳ vị hư hàn, ỉa lỏng không dùng được.

Nhân dân châu Âu còn dùng lá non và thân, có khi dùng cả rễ đem giã nhỏ rồi đắp vào nơi rắn độc, sâu bọ, ong, muỗi và rết cắn, có lẽ do tác dụng của các men oxydaza có nhiều trong lá và thân.

Đơn thuốc có ngưu bàng tử

Chữa đậu chẩn mọc trong cổ họng: Ngưu bàng tử 8g, cát cánh 6g, cam thảo 3g. Sắc uống trong ngày

Chữa cảm mạo, thuỷ thũng, chân tay phù: Ngưu bàng tử 80g sao vàng. Ngày uống 8g bột này, chia làm 3 lần uống, dùng nước nóng chiêu thuốc.

Chữa trẻ con lên đậu mọc không thuận, nóng sốt, cổ họng tắc: Ngưu bàng sao 5g, kinh giới tuệ 1g, cam thảo 2g, nước 200ml. Sắc còn 50ml cho uống. Nếu đậu mọc rồi vẫn uống được. Nếu đại tiện lợi chớ dùng.

Bài thuốc chữa phù thận cấp tính: Ngưu bàng tử 6g (nửa sao, nửa sống), phù bình sao khô 6g. Tất cả tán nhỏ. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 5g, dùng nóng chiêu thuốc (kinh nghiệm của Diệp Quyết Tuyên).