Vai trò của các nền kinh tế mới nổi trên bàn cờ kinh tế thế giới

Hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi diễn ra trong tháng 4 tại Hải Nam - Trung Quốc đã một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của các nền kinh tế mới nổi trong quá trình thay đổi trật tự chính trị và nền kinh tế thế giới.

Hội nghị lần này đánh dấu bước ngoặt lớn đối với quy mô của BRICS khi nhóm đã có thêm thành viên thứ năm là Nam Phi. Với chủ đề "Nhìn về tương lai, chia sẻ thịnh vượng", hội nghị thượng đỉnh BRICS chủ yếu tập trung vào việc tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, kiềm chế sự biến động về giá hàng hóa, tình trạng biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Các quốc gia thuộc BRICS dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế (Ảnh:Internet)

Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS cam kết ủng hộ cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế trên cơ sở thiết lập một hệ thống dự trữ quốc tế ổn định và đáng tin cậy. Tuyên bố nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã phơi bày những bất cập và thiếu sót của hệ thống tài chính-tiền tệ hiện nay. Cơ chế quản lý của các thể chế tài chính quốc tế cần phản ánh những thay đổi của nền kinh tế thế giới và tăng sự hiện diện của các nền kinh tế đang phát triển”.

Bên cạnh đó, BRICS đặc biệt lưu ý về những biến động của giá cả hàng hóa hiện nay, đặc biệt là giá lương thực và năng lượng tạo ra những thách thức to lớn đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Để giải quyết bài toán giá hàng hóa leo thang, BRICS cam kết tăng cường hợp tác quốc tế để duy trì sự ổn định nguồn cung trên các thị trường hàng hóa, điều tiết thị trường tài chính chặt chẽ hơn. Đồng thời, các nước cần nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất, tăng cường đối thoại giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng để cân bằng "cán cân cung cầu" và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trên phương diện vốn và công nghệ.

Mối quan tâm của BRICS còn thể hiện trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như tránh sử dụng vũ lực trong các quan hệ khu vực và thế giới - mà hiện Libya là tiêu điểm. Với hai trụ cột Nga và Trung Quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sở hữu một lực lượng quân sự đáng gờm là lợi thế khiến phương Tây không thể xem nhẹ mong muốn của BRICS trở thành một trung tâm độc lập trên bản đồ quyền lực thế giới.

Ngoài ra, lãnh đạo các nước BRICS cũng tái khẳng định sự cần thiết phải cải tổ Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, để tổ chức này mang tính đại diện hơn, hoạt động tích cực và hiệu quả hơn nhằm ứng phó tốt hơn với những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

Đánh giá về vai trò của BRICS, ông Patrick Chavonec thuộc Trường Đại học Tsinghua (Trung Quốc) cho rằng: “Những quốc gia này đang có một tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Có người thậm chí còn cho rằng, họ sẽ trở thành những cường quốc chủ chốt trên thế giới trong tương lai”

Hiện nay, BRICS được coi là đầu tàu mới của nền kinh tế thế giới và muốn chia sẻ quyền được thảo luận các vấn đề quan trọng của thế giới đối với Nhóm G8 - đã tồn tại từ lâu và đang có nguy cơ tụt hậu trong nhiều lĩnh vực. Tuy BRICS là một diễn đàn mới nhưng tiếng nói đang ngày càng quan trọng trong các vấn đề mang tính toàn cầu. Các thành viên của BRICS đều là thành viên của Nhóm G20 và là thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có 2 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo dự báo, đến năm 2050, các nước trong nhóm BRICS sẽ trở thành những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chính vì vậy mà các thành viên trong Nhóm BRICS vừa tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính để phát triển, vừa muốn có tiếng nói mạnh hơn đối với những quốc gia giàu có và các tổ chức tài chính quốc tế như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Tính đến nay, BRICS chiếm 42% dân số thế giới, 18% GDP toàn cầu và 15% tổng trao đổi thương mại của thế giới trong năm 2010. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2010, BRICS đã đóng góp vào nền kinh tế thế giới với mức tăng trưởng từ 13,1% năm 2000 lên tới trên 60%.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng: sự ra đời của BRICS là sự ra đời của một kỷ nguyên đa cực và khẳng định những hoạt động của BRICS sẽ hướng tới tương lai sâu rộng không chỉ cho 5 của BRICS, tạo ra trật tự mới cho một thế giới hòa bình, công bằng và dân chủ.

(Theo Báo Điện tử ĐCSVN)