Lạm phát tại Trung Quốc đe dọa kinh tế toàn thế giới

Tờ “Thời báo Niu Yoóc” (Mỹ) vừa đưa ra nhận định rằng trong khi Mỹ và châu Âu đang cố gắng khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc lại phải tính duy trì mức tăng trưởng thế nào để không làm tăng lạm phát. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 17-4 đã ra lệnh cho các ngân hàng lớn phải tăng dự trữ tiền mặt nhằm giảm khối lượng tiền cho vay và hạ nhiệt nền kinh tế. Do Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nguồn tăng trưởng dẫn đầu toàn cầu hai năm qua, chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thế giới bên ngoài.

Lạm phát cao đang đe dọa vị thế của Trung Quốc là nước có chi phí sản xuất thấp trên thế giới. Giá lương thực ở Trung Quốc đang leo thang và ngày 16-4, Chính phủ Trung Quốc cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong nước tháng 3-2011 đã tăng 5,4%, mức cao nhất trong gần 3 năm qua. Để ngăn chặn lạm phát, sáu tháng qua, Bắc Kinh đã thắt chặt các khoản cho vay, tăng lãi suất (không khuyến khích vay) và các khoản tiền gửi ngân hàng (khuyến khích gửi tiền tiết kiệm). Chính phủ cũng tăng các khoản trợ giá nông nghiệp để ngăn chặn giá lương thực tăng và nghiêm cấm các công ty Trung Quốc nâng giá hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, giới phân tích cho biết hiệu quả quản lý nền kinh tế của Bắc Kinh không được như mong muốn. Mặc dù tăng trưởng kinh tế bắt đầu giảm đôi chút so với mức tăng nóng 10%/năm, nhưng tình hình lạm phát ngày càng xấu hơn. Chẳng hạn giá nhà ở tiếp tục leo thang mặc dù lâu nay Bắc Kinh vẫn cam kết hạn chế thị trường bất động sản. Hiện nay giá một căn hộ trung cư trung bình ở Thượng Hải cao hơn 500.000 USD. Các nhà phân tích cho rằng phần lớn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gắn với các khoản chi phí cho phát triển bất động sản và đầu tư vào các dự án xây dựng đường quốc lộ, đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng trị giá nhiều tỷ USD khác.

Ngày 16-4, Chính phủ Trung Quốc cho biết quý I/2011, đầu tư tài sản cố định của nước này đã tăng 25% so cùng kỳ năm trước và đầu tư bất động sản tăng 37%. Một số nhân tố lạm phát khác như giá lương thực và hàng hóa leo thang trên thế giới cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình lạm phát ở Trung Quốc. Là thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới, nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc tăng mạnh và giá xăng dầu tăng gần 4,5 USD/galông (3,78 lít), cao hơn mức 3,82 USD/galông cuối năm 2009. Trong khi đó giá lương thực-thực phẩm cũng liên tục tăng. Tình trạng giá cả leo thang hiện nay ở Trung Quốc bắt đầu từ đầu năm 2009 khi Bắc Kinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng gói kích cầu trị giá 586 tỷ USD và khoản vay của các ngân hàng nhà nước tăng lên mức cao mức kỷ lục. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo cộng với khoản đầu tư khổng lồ cho các dự án của các chính quyền địa phương đã giúp nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc, song đồng thời kéo theo nhiều nỗi lo ngại về tình trạng giá bất động sản tăng vọt, các ngân hàng cho vay bừa bãi và chính quyền các địa phương rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Bên cạnh đó, để kích cầu trong nước, chính quyền trung ương và địa phương ở Trung Quốc đã yêu cầu các chủ doanh nghiệp tăng lương cho người lao động, với hy vọng giảm bớt khoảng cách thu nhập giữa tầng lớp giàu và nghèo, cũng như giữa thành thị và nông thôn. Nhưng mức lương cao hơn sẽ làm tăng các khoản chi phí sản xuất, từ đó dẫn đến giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng.

Một số chuyên gia cho rằng quyết định nâng lương tối thiểu vẫn là một trong những nguyên nhân gây nên lạm phát cao trong những năm tới. Nhà kinh tế Dong Tao của tổ chức Credit Suisse ở Hồng Công nói: “Trung Quốc đang bước vào một kỷ nguyên mới. Trong thập kỷ trước, lạm phát chỉ ở mức 1,8%/năm, trong thập kỷ tới lạm phát có thể leo lên gần 5%”. Sự thay đổi này sẽ không những ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước mà cả hàng hóa xuất khẩu. Do mức lương và chi phí sản xuất tăng, các nhà máy ở ven biển buộc phải tăng giá hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ, châu Âu cũng như các nước khác sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua các hàng hóa do Trung Quốc sản xuất hoặc tìm kiếm các nguồn hàng chi phí thấp hơn ở các nước khác. Một số nhà kinh tế cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn nữa, để làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế như tiếp tục hạn chế cho vay, tăng lãi suất và thắt chặt nguồn cung tiền. Nhưng đến nay dư luận vẫn không mấy tin tưởng vào kết quả của các biện pháp này. Ông Zhang Weiying, giáo sư kinh tế của Đại học Tổng hợp Bắc Kinh, nhận xét: “Nguồn gốc của lạm phát là do chính sách kích cầu kinh tế của Chính phủ Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Ngăn chặn lạm phát không dễ dàng, nó có thể phải mất một thời gian dài”. Thậm chí một số nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng sau nhiều năm gặt hái các thành tựu nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh, hiện nay lạm phát lại bắt đầu xóa bỏ những thành tựu đó. Bà Cac-men M. Rên-hát, chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Oasinhtơn, thì cho rằng Bắc Kinh đang can dự một cuộc chiến kinh tế khó khăn do vừa phải tìm cách khích lệ tăng trưởng bền vững, vừa nỗ lực kiểm soát lạm phát.

(Theo TTXVN)