CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM - CAI NGHIỆN MA TÚY

Nhiều bất cập trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy

Qua giám sát về tình hình công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy (MT) từ năm 2018 đến ngày 30-5-2020 trên địa bàn tỉnh vừa được Ban Pháp chế HĐND tỉnh thực hiện. Công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện MT đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, qua giám sát cũng chỉ ra nhiều bất cập trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện MT trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê, số đối tượng về MT có chiều hướng gia tăng; cụ thể, đến cuối năm 2019 có 1.142 đối tượng; 6 tháng đầu năm 2020 có 1.338 đối tượng (cư trú ở 50/65 xã, phường, thị trấn). Trong khi đó, từ năm 2018 đến 30-5-2020, Cơ sở cai nghiện tỉnh đã tiếp nhận, quản lý điều trị cai nghiện cho 553 lượt học viên; cai nghiện MT tại gia đình, cộng đồng được 98 người nghiện MT. Qua con số cho thấy, tổng số người cai nghiện chưa được 1/2 số người nghiện MT. Điều đáng lo, số người đã cai nghiện tại Cơ sở tái nghiện năm 2018 có 16 người; năm 2019 có 40 người; năm 2020 có 17 người; tỷ lệ trung bình khoảng 15,24%. Học viên đến chữa trị cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện có xu hướng ngày càng trẻ hóa, độ tuổi phổ biến từ 18-30 tuổi (chiếm 80%), dưới 18 tuổi chiếm 0,5-0,7%. Tỷ lệ học viên nghiện các chất MT tổng hợp mới dạng Amphetamine ngày càng tăng cao, chiếm trên 95% nên rất manh động và không hợp tác trong quá trình điều trị cai nghiện. Tình hình hoạt động của tội phạm MT và tệ nạn MT trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp.

Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện MT, đó là: Hệ thống văn bản quy định liên quan đến công tác phòng, chống MT và cai nghiện MT được ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, phát sinh những bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; công tác cai nghiện MT tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao. Các xã, phường, thị trấn chưa thành lập tổ công tác cai nghiện tại gia đình theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP. Cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thật sự coi trọng trong công tác cai nghiện MT và quản lý sau cai nghiện, địa phương chưa đề ra những biện pháp, giải pháp cụ thể, khả thi để thực hiện có hiệu quả mặt công tác này; còn hiện tượng khoán trắng cho ngành Công an. Công tác quản lý, giám sát các đối tượng còn lỏng lẻo, chưa chú trọng giúp đỡ, giáo dục người nghiện MT tái hòa nhập cộng đồng, tình trạng kỳ thị vẫn còn diễn ra trong cộng đồng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nghiện. Các chương trình an sinh xã hội như xóa đói, giảm nghèo, học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn cho các đối tượng này còn hạn chế... dẫn đến, tỷ lệ người tái nghiện còn cao.

Ông Tô Ngọc Phương, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho biết: Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã tổng hợp các kiến nghị đề xuất với Trung ương và tỉnh cần có những chính sách, chỉ đạo cụ thể để công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện MT hiệu quả, góp phần đẩy lùi tệ nạn MT, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương. Cụ thể, đối với Trung ương, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện MT, đối chiếu với tình hình thực tiễn tại địa phương, kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp, khả thi; quan tâm có quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác quản lý sau cai nghiện tại cơ sở. Đề nghị Bộ Y tế thường xuyên tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ y tế trong công tác điều trị nghiện MT các loại. Quan tâm tập huấn, hướng dẫn mô hình công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; công tác quản lý sau cai nghiện để thực hiện đồng bộ trong cả nước.

Đối với UBND tỉnh, chỉ đạo xây dựng Đề án liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, trình HĐND tỉnh xem xét thông qua để tạo cơ sở pháp lý, huy động nguồn lực của địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác này. Chỉ đạo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định mức đóng góp của người cai nghiện MT tự nguyện (hoặc gia đình người cai nghiện MT); mức ngân sách Nhà nước bảo đảm, hỗ trợ đối với người cai nghiện MT tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện MT công lập trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi để khắc phục những hạn chế, bất cập. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện MT tại gia đình, cai nghiện MT tại cộng đồng, góp phần kiềm chế sự gia tăng người nghiện MT trên địa bàn tỉnh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương.