Hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW đối với tín dụng chính sách xã hội

Nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chủ động triển khai các giải pháp của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến thời điểm 30-6-2020, tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng ưu đãi đang thực hiện tại tỉnh là 2.266 tỷ đồng, với gần 76 ngàn hộ gia đình đang sử dụng vốn. Riêng từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 34,6 tỷ đồng...

Nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế đất nước. Ngày 22-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị 40). Tại tỉnh ta, ngay sau khi có Chỉ thị 40, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU, trên cơ sở đó UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2360/KH-UBND chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Sơn giải quyết hồ sơ vay vốn cho người dân xã Lương Sơn. Ảnh: Văn Miên

Ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Chỉ thị 40 ra đời đã tạo sự chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách rất lớn. Minh chứng cụ thể là kể từ khi có Chỉ thị 40, tất cả các đồng chí Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đều tham gia thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, nên đã nâng cao sức mạnh chính trị trong công tác chỉ đạo, điều hành, từ đó các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đều được các cấp nắm bắt và triển khai kịp thời, có hiệu quả. Đặc biệt, hằng năm, tỉnh và các địa phương đã giành một phần ngân sách bổ sung nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Được sự quan tâm sâu sát của Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và cấp ủy, chính quyền các địa phương, sau gần 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, đến nay Đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã thực sự vào cuộc và thể hiện rõ trách nhiệm trong việc chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, quan tâm chỉ đạo khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, như: Phối hợp với NHCSXH triển khai các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn; tăng cường hoạt động tại 65 điểm giao dịch cấp xã; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả... Không những vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương còn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung nhận ủy thác cho vay.

 

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân nguồn vốn tín dụng cho người dân. Ảnh: P.B

Theo NHCSXH tỉnh, nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chủ động triển khai các giải pháp của NHSXH tỉnh, đến thời điểm 30-6-2020, tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng ưu đãi đang thực hiện tại tỉnh là 2.266 tỷ đồng, với gần 76 ngàn hộ gia đình đang sử dụng vốn. Riêng từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 34,6 tỷ đồng (tăng 173% so với trước khi có Chỉ thị số 40); trong đó, ngân sách tỉnh tăng 27 tỷ đồng, các huyện thành phố tăng 7,6 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương hiện nay là 54,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ủy thác kể trên đã tạo thêm nguồn lực để NHCSXH tỉnh giúp cho trên 50,5 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền còn dư nợ 1.334 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã giúp trên 4 ngàn lao động được vay với số tiền 117 tỷ đồng để duy trì, mở rộng việc làm; hơn 15 ngàn hộ vay vốn xây dựng nhà vệ sinh và lắp đặt công trình nước sạch với số tiền 135 tỷ đồng; trên 6,6 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp được vay vốn với số tiền trên 187 tỷ đồng; trên 10,5 ngàn hộ dân tại các xã vùng khó khăn được vay với số tiền gần 325 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh và thương mại; trên 5 ngàn hộ nghèo được vay với số tiền 55 tỷ đồng để xây dựng nhà ở; giúp 3,5 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn và vùng miền núi vay vốn với số tiền 78 tỷ đồng; giúp 356 hộ nghèo vay vốn trồng rừng và chăn nuôi gia súc thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP với số tiền 36 tỷ đồng; giải quyết cho 71 hộ vay vốn mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, sửa chữa nhà ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP với số tiền 17 tỷ đồng...

Kết quả đạt được của tín dụng chính sách xã hội đã triển khai thực hiện trong thời gian qua cho thấy, Chị thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã và đang đi vào cuộc sống. Để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thời gian tới NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan xem việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm để quan tâm triển khai thực hiện. Mặt khác, đơn vị tiếp tục chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện hội đồng quản trị các cấp. Tăng cường phối hợp các Hội đoàn thể nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung đã nhận ủy thác. Cùng với đó, NHCSXH tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn,... nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện cũng như nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị từ cơ sở và người dân, từ đó chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách có hiệu quả.