Quyết tâm giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Với quyết tâm, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8.967 tỷ đồng, tăng 8,46% cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.826 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.450 tỷ đồng, tăng 11,9% cùng kỳ; giải quyết việc làm mới cho 6.638 lao động…

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh quán triệt phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; đồng thời, bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để ban hành 10 nhóm giải pháp chủ yếu với 206 nhiệm vụ cụ thể, để chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, nhằm tạo bước chuyển rõ nét trong từng ngành, lĩnh vực.

Với quyết tâm, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do nắng hạn, dịch COVID-19, nhưng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh vẫn có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8.967 tỷ đồng, tăng 8,46% cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.826 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.450 tỷ đồng, tăng 11,9% cùng kỳ; giải quyết việc làm mới cho 6.638 lao động, bằng 40,2% kế hoạch…

Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) ngoài đẩy mạnh sản xuất góp phần phát triển kinh tế,
còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ảnh: X.B

Trong số các chỉ tiêu đạt được, nổi lên là ngành Công nghiệp (CN) có tổng giá trị sản xuất đạt 4.381,1 tỷ đồng, tăng 26,1% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, CN khai khoáng đạt 216,6 tỷ đồng, tăng 35,5%; CN chế biến, chế tạo đạt 2.605,2 tỷ đồng; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 119,4 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ. Riêng ngành sản xuất điện đạt giá trị cao 1.439,9 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 334,2% so cùng kỳ (trong đó điện gió, điện mặt trời sản lượng 6 tháng đạt 1.421,7 triệu kWh tăng hơn 529% so cùng kỳ), đã tác động đưa chỉ số sản xuất CN của tỉnh tăng 52,57% so cùng kỳ.

Khâu đột phá về năng lượng được tập trung chỉ đạo và có chuyển biến mạnh mẽ, đến nay dự án điện khí LNG Cà Ná đã được bổ sung vào quy hoạch điện VII, trong đó giai đoạn đến 2025 là 1.500 MW. Dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500 kV và các dự án hạ tầng truyền tải khác được tập trung đầu tư góp phần giảm tỷ lệ giảm phát từ 60% xuống còn 30%; riêng Trạm biến áp Ninh Phước đến cuối tháng 6-2020 hoàn thành đưa vào sử dụng cơ bản giải quyết tình trạng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời và đường hầm dự án thủy điện tích năng Bác Ái được đẩy nhanh tiến độ. Trong 6 tháng đã hoàn thành 7 dự án điện mặt trời với 394 MW; 16 trụ điện gió/64 MW; đã hòa lưới điện quốc gia 29 dự án/1.674MW…

Công tác quản lý kiến trúc quy hoạch xây dựng được tập trung triển khai và có chuyển biến tích cực; chương trình phát triển các khu đô thị mới thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược; công tác quản lý trật tự xây dựng và quản lý hạ tầng kỹ thuật được tập trung chỉ đạo. Các đồ án quy hoạch lớn, quan trọng như: Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam đến năm 2035; Quy hoạch chi tiết các khu đô thị Đầm Nại, Cà Ná; Quy hoạch phát triển Tp.Phan Rang – Tháp Chàm thành thành phố thông minh; Quy hoạch chung Khu du lịch Ninh Chữ; Quy hoạch chi tiết 1/500 khu tổ hợp điện khí LNG; Quy hoạch chi tiết khu Bãi Rạng Tây Giang, khu công viên 4,57 ha… được tập trung chỉ đạo hoàn thành trình phê duyệt, qua đó góp phần đưa giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt 3.528 tỷ đồng, tăng 7,5% so cùng kỳ.

Hoạt động doanh nghiệp (DN) những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng tỉnh đã kịp thời triển khai tháo gỡ và thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời, nhất là hỗ trợ DN theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, nên số DN đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng. Tính đến ngày 15-6-2020, trên địa bàn tỉnh có 279 DN thành lập mới, tăng 16,7% so cùng kỳ; 62 DN đăng ký bổ sung vốn điều lệ, với số vốn tăng thêm 5.557 tỷ đồng, tăng 5,7 lần so cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 39 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đang hoạt động đến ngày 15-6-2020 là 3.352 DN/57.480 tỷ đồng, bình quân 17,1 tỷ đồng/DN.

Với mục tiêu: “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”, trong 6 tháng đầu năm tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó hạn hán; thường xuyên tổ chức các Đoàn kiểm tra thực tế các vùng bị hạn, qua đó huy động các đơn vị, địa phương hỗ trợ nước sinh hoạt kịp thời cho 251 hộ/959 khẩu (trong đó thôn Bình Tiên, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc: 71 hộ/256 khẩu; Thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn: 180 hộ/703 khẩu).

Đối với sản xuất nông nghiệp, trong 6 tháng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 1.138,3/911,2 ha, vượt 24,9% kế hoạch, trong đó vụ đông-xuân 955,7/591,2 ha; vụ hè-thu 182,6/320 ha. Hoàn thành đưa vào hoạt động tuyến ống kênh chính hồ chứa nước Tân Mỹ và các kênh nhánh phục vụ kịp thời công tác chống hạn, bảo đảm gieo trồng vụ đông-xuân đạt 25.289 ha, vượt 2,1% kế hoạch. Năng suất một số cây trồng như lúa đạt 66,7 tạ/ha, tăng 2,2%; bắp 61,6 tạ/ha, tăng 3,9%; nho 138 tạ/ha, tăng 1,4%; táo 192,5 tạ/ha, tăng 6,7% so cùng kỳ. Riêng vụ hè – thu do ảnh hưởng của nắng hạn phải tạm dừng hơn 23.233 ha gieo trồng, nên tổng diện tích cây hàng năm gieo trồng trong vụ này ước đạt 12.460,9 ha, giảm 56,9% so cùng kỳ. Chăn nuôi tiếp tục được phục hồi với tổng đàn heo hiện có trên 100.000 con; đàn trâu hơn 3.900 con, tăng 1,2% so cùng kỳ; đàn bò trên 120.790 con, tăng 0,3% so cùng kỳ.

Để hướng tới thành công, quyết tâm giữ vững mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020, tại phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt 15 nhiệm vụ trọng tâm và 6 nhóm giải pháp chủ yếu mà UBND tỉnh đã đề ra. Trong đó, trọng tâm là bám sát các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch triển khai của Trung ương, của tỉnh về phát triển KT-XH để chỉ đạo thực hiện, nhằm tạo bước chuyển rõ nét trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là sản xuất CN, nông nghiệp, quản lý đất đai, xây dựng; tiếp tục thực hiện tốt các quy định trong công tác quản lý tài chính, tăng nguồn thu ngân sách, phát triển du lịch; triển khai đồng bộ các biện pháp giảm tai nạn giao thông, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ. Tập trung hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN và nhà đầu tư, nhất là khó khăn vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời và hạ tầng truyền tải giải tỏa công suất, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực thay thế khác để bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch COVID-19 và nắng hạn gây ra. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung giải quyết các vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa đến đến phát triển KT-XH của tỉnh, với quyết tâm phấn đấu cao nhất để thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh giao.

Năm 2020 tỉnh ta đề ra mục tiêu đưa tăng trưởng Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 11-12%; GRDP bình quân đầu người đạt 59-60 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 28-29%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31-32%, dịch vụ chiếm 39-40%; Thu ngân sách trên địa bàn 3.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 23.000 – 23.500 tỷ đồng...